Bệnh viện sẽ có tiêu chuẩn quốc gia để đánh giá chất lượng
(VOH) - Tại hội nghị giao ban các giám đốc bệnh viện được tổ chức vào sáng 27/9, tại TP Vũng Tàu, Bộ Y tế triển khai việc quản lý và thẩm định chất lượng bệnh viện năm 2008. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TPHCM thì quản lý bệnh viện vẫn theo những cơ chế rất cũ, về mặt chuyên môn ổn định nhưng lại không đáp ứng được yêu cầu phát triển trong tình hình hiện nay. Do vậy mới có chuyện quá tải trong các bệnh viện, người bệnh chưa được đặt vào đúng vị trí là khách hàng dẫn đến chảy máu ngoại tệ khám chữa bệnh ra nước ngoài. Nguyên nhân có nhiều, nhưng điều quan trọng là chúng ta chưa thẩm định được hệ thống chất lượng bệnh viện, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Tình trạng “bình quân”, phân cấp tuyến trên, tuyến dưới mang nặng tính hành chính là một trong những nguyên nhân nảy sinh, tồn tại tiêu cực trong việc khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong nhiều năm qua. Ông Nguyễn Văn Châu cho biết thêm:
Thạc sĩ Phạm Đức Mục, phó cục trưởng, Cục quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, chất lượng bệnh viện là chìa khóa để xây dựng môi trường khám chữa bệnh tốt. Mỗi năm các bệnh viện đều triển khai việc đánh giá chất lượng bệnh viện nhưng cái khó là hiện nay chưa có một cơ quan có đầy đủ tư cách pháp nhân để có thể thẩm định, đánh giá chất lượng hệ thống bệnh viện mà chủ yếu phụ thuộc vào cảm tính của người bệnh. Điều này chứng minh qua hình ảnh quá tải tại các bệnh viện trung ương, hoặc tại các thành phố lớn, 2-3 người bệnh nằm chung một giường. Ngay cả khi bệnh nhân phẫu thuật xong bệnh viện cũng không thể đánh giá được chất lượng. Tại hội nghị sơ kết chỉ thị 06 xã hội hóa công tác y tế, phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần phải nhanh chóng đưa ra tiêu chuẩn quốc gia đánh giá chất lượng bệnh viện. Triển khai về vấn đề thẩm định chất lượng bệnh viện, thạc sĩ Phạm Đức Mục nói:
So với bảng kiểm tra bệnh viện năm 2007, nội dung kiểm tra của năm 2008 không có gì thay đổi bao gồm nguồn lực, chức năng, nhiệm vụ của bệnh viện và quy chế chuyên môn, trong khi rất cần có một số thay đổi nhằm đánh giá đúng chất lượng của bệnh viện, chứ không thể để cho các bệnh viện chạy theo thành tích. Thạc sĩ Phạm Đức Mục đưa ra một dẫn chứng cụ thể, năm ngoái với số điểm kiểm tra là 100 điểm chuẩn, 33 điểm trừ và điểm thưởng thì khi tập hợp số liệu, tất cả các bệnh viện đều cộng thêm điểm thưởng cho mình mà không có điểm trừ, trong khi những điểm trừ như dùng găng tay bẩn chăm sóc bệnh nhân hoặc nhà vệ sinh không đảm bảo chất lượng, gửi báo cáo thống kê không đầy đủ là chuyện vẫn thường xảy ra ở bệnh viện. Cục Khám chữa bệnh cho biết, dù đã nhắc nhở rất nhiều lần nhưng chỉ riêng báo cáo thống kê thôi thì cuối năm cục chỉ nhận được khoảng 30% báo cáo của bệnh viện mà thôi.
Bệnh viện Nhi đồng 1 đã nhận được chứng nhận tiêu chuẩn ISO từ năm ngoái, tuy nhiên khi đề cập đến việc thực hiện thẩm định chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia mà Bộ y tế sẽ ban hành, Bác sĩ Tăng Chí Thượng, giám đốc bệnh viện cho rằng cần phải có lộ trình vì:
Đối với tuyến bệnh viện cơ sở, bác sĩ Hoàng Sĩ Mai, giám đốc bệnh viện Phú Nhuận băn khoăn:
Bệnh viện là bộ mặt của ngành y tế và kỹ thuật của bệnh viện sẽ nói lên sự phát triển của bệnh viện đó như thế nào. Tại TPHCM một số bệnh viện đã rất nỗ lực cải thiện hình ảnh của mình nên đã nhận được chứng chỉ quản lý chất lượng ISO như bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh viện Mắt, Tai Mũi Họng…. Việc thay đổi chất lượng phải bắt nguồn từ lãnh đạo nhưng nhiều lãnh đạo bệnh viện lại băn khoăn rằng, một mình có thể thay đổi được không khi giá cả khám chữa bệnh hiện nay không cao thì chất lượng liệu có cao?
Thanh Xuân