Cách sử dụng điện thoại di động an toàn với sức khỏe

(VOH) - Vụ việc thai phụ Ngô Thị Liên (ngụ huyện Nam Đàn, Nghệ An) tử vong do nghi bị điện giật khi sử dụng điện thoại đang sạc pin, khiến nhiều người lo ngại. Giới trẻ hiện nay, điện thoại di động có thể ví như "không khí để thở" và luôn bên mình, vậy sử dụng điện thoại di động sao cho an toàn?

Lưu ý sạc pin, điện thoại đột nhiên nóng...

Việc sử dụng điện thoại di động không đúng cách cũng khiến chúng ta gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe, tính mạng cho chính mình và người khác. Anh Lê Hải Đăng – phụ trách bộ phận tư vấn kỹ thuật trực tuyến của FPT Shop thành phố Hồ Chí Minh cho biết, có những lỗi nhỏ khi sử dụng điện thoại di động mà người dùng thường xem là “chuyện nhỏ” nhưng có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đó là việc sạc điện thoại di động, nên dùng cục sạc chính hãng, tương thích với sản phẩm. Nếu tự mua cục sạc bên ngoài, khách hàng nên lựa chọn mua ở những địa chỉ có uy tín, thương hiệu, đồng thời phải xem kỹ các thông số ghi trên thiết bị này.

Ví dụ cục sạc dành cho điện thoại khoảng từ 1 – 1,5 Ampe thì an toàn, nếu không có thể gây cháy nổ trong khi sạc. Phụ kiện này cũng cần được kiểm tra định kỳ 6 tháng/ lần.

Nhiều người có thói quen vừa sạc điện thoại vừa gọi điện hoặc nhận cuộc gọi. Điều này cũng ảnh hưởng không tốt đến người sử dụng. Do đó, chúng ta có thể dùng cục sạc dự phòng thay thế trong tình huống này.

Một thói quen có hại khác là nhiều người thường để điện thoại ở đầu giường cho tiện hoặc cài chế độ báo thức. Anh Lê Hải Đăng cho biết khi ngủ, tốt nhất nên để điện thoại di động ở chế độ từ chối nhận sóng như lúc đi máy bay hoặc lý tưởng nhất là cách xa người 10m để hạn chế ảnh hưởng của bức xạ đến não.

Một số điện thoại có tình trạng đột nhiên nóng lên dù sử dụng hay không sử dụng là do lỗi phần cứng, người dùng nên đưa đi bảo hành ngay.

Không nên vừa nghe điện thoại vừa sạc pin. Ảnh minh họa

Những lưu ý khác

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo rằng việc sử dụng điện thoại di động sẽ khiến người dùng phải tiếp xúc liên tục với sóng vô tuyến - tác nhân có thể gây bệnh ung thư. Để có thể hạn chế tối đa ảnh hưởng của sóng điện thoại di động, theo anh Lê Hải Đăng cần phải chú ý đến những điều dưới đây:

- Không áp điện thoại vào cơ thể: Để thiết bị cách cơ thể chỉ 1-2 cm cũng đã giảm đáng kể lượng bức xạ.

- Không nói chuyện dài: Càng nói ít, tỷ lệ hấp thụ càng thấp.

- Sử dụng tai nghe hoặc bật loa ngoài: Người dùng nên đeo tai nghe có dây hoặc Bluetooth. Thực ra chúng ta vẫn có thể bị phơi nhiễm từ loại tai nghe này nhưng nó nhẹ hơn nhiều so với việc áp điện thoại vào tai.

- Tránh dùng điện thoại ở nơi sóng yếu: Khi thuê bao ở xa trạm thu phát sóng, tín hiệu sẽ yếu đi và thiết bị phải điều chỉnh để kết nối với trạm và làm tăng lượng bức xạ phát ra.

- Nhắn tin, lướt web nhiều hơn nói chuyện: Vì khi nhắn tin, người sử dụng không áp điện thoại vào đầu - bộ phận dễ hấp thụ phóng xạ nhất.

- Để điện thoại trong túi xách thay vì túi quần nhằm tăng khoảng cách giữa cơ thể và thiết bị.

 

Người bị tai nạn khi sử dụng điện thoại có thể kiện nhà sản xuất hay không?

Vấn đề dư luận quan tâm là trong những trường hợp người dùng điện thoại bị tai nạn do sản phẩm đó gây ra thì có thể khởi kiện nhà sản xuất hay không?

Luật sư Huỳnh Phước Hiệp – đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh cho biết theo Bộ luật Dân sự có quy định về việc bồi thường ngoài hợp đồng.

Theo đó, tại điều 604 có quy định người nào do lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền và lợi ích khác của cá nhân; Xâm phạm danh dự, tài sản, uy tín của pháp nhân hoặc của chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Trong vụ việc thai phụ Ngô Thị Liên (ngụ huyện Nam Đàn, Nghệ An) tử vong nghi do điện giật khi sạc điện thoại Iphone, phải xác định lỗi do đâu?

Hiện tại chưa có kết luận của cơ quan công an nhưng nếu xác định đúng là chị Liên sạc điện thoại bị điện giật chết, có nhiều khả năng.

Thứ nhất, có thể do nguồn điện có quá hiệu điện thế không, hoặc do việc sử dụng cục sạc điện thoại có phải của chính hãng hay không?

Nếu là cục sạc không phải của chính hãng, phải xem xét cục sạc có tương thích với điện thoại không? Đồng thời, cũng cần xác định điện thoại Iphone 3 mà nạn nhân sử dụng đã từng mở linh kiện máy ra chưa?

Nếu việc sử dụng điện thoại di động và các phụ kiện tương thích với sản phẩm của chính hãng, điện thoại chưa từng bị can thiệp như mở, thay các linh kiện bên trong mà gây tai nạn cho người dùng thì mới xem xét trách nhiệm của nhà sản xuất.

Luật sư Huỳnh Phước Hiệp – đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh trao đổi với phóng viên VOH Online

Bình luận