Cải cách hành chính cơ sở: Phần mềm chống sao chép sáng kiến

(VOH) - Xuất phát từ thực tiễn việc quản lý hồ sơ sáng kiến của công chức, viên chức hiện nay khá thủ công, mất nhiều thời gian, chưa khoa học, nhất là việc nhận dạng các sáng kiến gần giống nhau.

Vậy nên, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố bắt tay nghiên cứu, thiết kế phần mềm chống sao chép sáng kiến. Với ý tưởng sáng tạo này, việc quản lý hồ sơ của người cán bộ được thực hiện dễ dàng hơn, đồng thời nhờ vào công nghệ thông tin phát hiện những sáng kiến sao chép của người khác.

Phóng viên VOH phỏng vấn ông Nguyễn Đức Tuấn, Trưởng Phòng quản lý khoa học và công nghệ cơ sở - Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM.

Ông Nguyễn Đức Tuấn

Ông Nguyễn Đức Tuấn, Trưởng Phòng quản lý khoa học và công nghệ cơ sở - Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố. Ảnh: Saigon Innovation Hub.

*VOH: Thưa ông, ý tưởng nghiên cứu thiết kế phần mềm chống sao chép sáng kiến xuất phát từ nguyên nhân nào?

- Ông Nguyễn Đức Tuấn: Trong mấy năm qua, có hai chuyện xảy ra.

Thứ nhất là số lượng sáng kiến nộp quá nhiều, cán bộ ở Phòng Kinh tế hay Phòng Nội vụ ở các quận, huyện được phân công chấm sáng kiến họ rất vất vả. Thứ hai là tình trạng sao chép, trùng lắp nhau về sáng kiến.

Từ đó, ý tưởng dùng ứng dụng công nghệ này để giải quyết hai việc: ứng dụng giúp theo dõi thống kê được số lượng sáng kiến. Khi cán bộ chấm xong sẽ biết được hồ sơ nào đạt cấp quận, huyện, hồ sơ nào đạt cấp thành phố để đưa lên phía trên. Thứ hai, phần mềm sẽ có khả năng nhận dạng được những trùng lắp.

Điều này sẽ giúp cho người cán bộ loại được những bài không cần phải đọc, hoặc là khi phần mềm nhận dạng những bài gần gần giống nhau, phần mềm sẽ chỉ tới bài trùng lắp. Lúc đó, người cán bộ chuyên môn đọc sẽ biết được sáng kiến của ai sau, ai trước.

*VOH: Để phần mềm này triển khai được trong thực tiễn thì đòi hỏi những yếu tố nào?

- Ông Nguyễn Đức Tuấn: Ý tưởng là như vậy, còn ứng dụng thì đang trong quá trình làm. Để ứng dụng hoạt động tốt, đòi hỏi hai phương án: một phương án là phải nhập lùi sáng kiến trước, thì mới có kho dữ liệu để nó so sánh. Giống như trí tuệ nhân tạo, ta phải cho nó học, trải nghiệm, có Data (dữ liệu), Big Data (dữ liệu lớn) từ trước.

Ví dụ, mình phải có tóm tắt toàn bộ sáng kiến trong 3 năm gần đây, thì đến năm thứ 4, sáng kiến nộp vào thì phần mềm mới có cái để so sánh. Nếu mình không nhập lùi sáng kiến được thì mình chỉ có cách là làm tới, có nghĩa là từ năm nay mình nhập sáng kiến vào phần mềm thì mình chỉ so sánh được năm nay, sáng kiến của các đơn vị có trùng lắp nhau hay không, chưa so được với quá khứ.

Nhưng, nếu chúng ta đã có dữ liệu năm 2019 thì sang năm 2020 chúng ta sẽ có dữ liệu so sánh được với quá khứ và dữ liệu các đơn vị xung quanh. Còn nếu mình đủ khả năng, mình nhập luôn bản tóm tắt của các sáng kiến năm 2018, 2017 thì mình sẽ có dữ liệu để mình so sánh. Như vậy, người cán bộ làm công tác này sẽ có được dữ liệu để so sánh, đối chiếu, họ sẽ làm việc được nhanh hơn, phần mềm cũng sẽ lưu lại toàn bộ quá trình dữ liệu đó.

*VOH: Với phần mềm phát hiện sao chép, trùng lắp sáng kiến này, có thể áp dụng ở nhiều lĩnh vực hay chỉ giới hạn ở một số lĩnh vực nhất định?

- Ông Nguyễn Đức Tuấn: Phần mềm không có giới hạn về mặt quy mô, vấn đề là mình muốn quản lý tới đâu, tổ chức muốn thu thập và quản lý dữ liệu tới đâu. Bởi vì, viết một sáng kiến là đã có format (kiểu, định dạng), phần bắt buộc gồm có tên, đơn vị, tiêu đề, nội dung tóm tắt khoảng 300 từ, máy tính sẽ dò trong 300 từ đó, nếu máy dò thấy không có vấn đề gì ở sáng kiến đó thì chuyển qua cho cán bộ chấm.

Còn trong trường hợp phần mềm phát hiện có trùng lắp thì nó sẽ chỉ ra bài này trùng với bài nào đó, lúc ấy người cán bộ phải coi lại bài đó, còn nếu trùng đến 100% thì sẽ loại. Phần mềm này chủ yếu là giúp cho cán bộ ở quận, huyện, vì thường chỉ có một, hai người phụ trách trong khi số lượng sáng kiến như của trường học, trạm y tế... rất nhiều.

Khi các sáng kiến trùng hay na ná nhau thì họ không có cơ sở để tra cứu, chỉ ra sáng kiến này Trường A, Trường B đã làm, hoặc năm trước đã có sáng kiến này…

*VOH: Hiện quá trình nghiên cứu, hoàn thiện phần mềm này ra sao, kỳ vọng khi phần mềm được đưa vào sử dụng như thế nào?

- Ông Nguyễn Đức Tuấn: Phần mềm đang trong quá trình hoàn thiện, phần quản lý thì đã xong, đang cho phần mềm học thử việc nhận dạng trùng lắp. Sẽ có nhiều thử nghiệm, về trí tuệ nhân tạo cũng có, về so sánh kiểu đạo văn cũng có… đang trong quá trình thử nghiệm những giải pháp đó để lựa chọn, cách nào nhanh, tối ưu mình sẽ chọn.

Cơ bản, vẫn là cách tổ chức và thu thập dữ liệu mẫu, dữ liệu lưu trữ để phần mềm đọc: phân nhóm, băm dữ liệu… Ví dụ, ban đầu số lượng bài sáng kiến ít, phần mềm lọc nhanh, còn về sau số lượng sáng kiến càng nhiều, nó đòi hỏi phải có nhiều kỹ thuật chia, phân tích dữ liệu…

Thứ hai, nếu sau này phần mềm triển khai, đơn cử như 24 quận, huyện đều sử dụng phần mềm, lúc đó các đơn vị tự nhập sáng kiến vào phần mềm, dưới đơn vị sẽ nhập file, sẽ có phần tóm tắt những thông tin chung sẽ được thả vào phần mềm này, máy sẽ ghi nhận thông tin tóm tắt này.

Khi phát hiện có trùng lắp hay những phát sinh mà cần yếu tố con người thì người cán bộ chấm nếu cần thiết sẽ lấy file toàn văn để xem, lúc ấy cán bộ sẽ biết được sáng kiến nào đạt hay không đạt.

*VOH: Cám ơn ông!

Bình luận