Cân bằng để hạnh phúc

(VOH) - Những nữ doanh nhân trí thức, bản lĩnh trên thương trường, thành đạt ngoài xã hội, nhưng trong gia đình, họ cũng rất mềm mỏng, khéo léo để giữ vững tổ ấm và nuôi dạy con cái nên người.

Không nên có sự thắng thua, đối đầu

Hiện nay, mối quan hệ gia đình, đặc biệt là quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu luôn được xem là vô cùng nhạy cảm và phức tạp, làm sao để mẹ chồng nàng dâu được dung hòa, không xuất hiện những xung đột và để xây dựng được mối quan hệ ngọt ngào, bền chặt, chị Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị REE, chia sẻ kinh nghiệm từ gia đình mình: “Khi có con dâu mới trong gia đình, tôi nghĩ rằng mình có thêm một đứa con thứ ba. Khi con dâu về sống cùng gia đình, tôi để con dâu mình được tự do, tự nhiên, thoải mái như chính trong gia đình”. Chính vì điều này mà cô con dâu của chị cảm thấy biết ơn và rất thương mẹ chồng. Bản thân chị cũng cảm thấy mình may mắn vì có được một cô con dâu lúc nào cũng vui vẻ, cởi mở, hiểu chuyện. Đôi lúc cha mẹ chồng có rầy rà, nhắc nhở, cô con dâu cũng chỉ cười chứ không tỏ vẻ bực bội. Trong bữa cơm gia đình, cô luôn mời ba mẹ trước khi ăn. Thái độ và thói quen tốt này khiến chị rất hài lòng.

Tuy nhiên, không phải người mẹ chồng nào cũng có được những suy nghĩ tích cực được như chị. Có những người mẹ chồng còn có suy nghĩ thế này “không cần biết mặt mũi con dâu ta ra sao, ta lo ta ghét trước rồi”. Vì sao ? Vì họ nghĩ rằng, cô con dâu đã lấy hết tình thương của con trai bà trong khi bà dành hết thảy tình thương yêu, nỗi nhớ cho nó. Và cũng có trường hợp, cô vợ đặt anh chồng vào thế khó xử khi đặt ra cho chồng sự lựa chọn “giữa mẹ và tôi, anh chọn ai”. Theo chị Mai Thanh, không có chuyện con trai xén bớt tình cảm đã từng dành cho mẹ khi có vợ. Tình thương của con và mẹ không bao giờ thay đổi, và tùy cách ứng xử của mẹ chồng với cô con dâu mà tình thương con trai đối với mẹ nhân lên hay giảm đi mà thôi. Và ngay cả đối với người vợ, bản thân người chồng cũng cảm thấy hạnh phúc hơn khi vợ đối xử tốt với ba má chồng. Tuy nhiên, lắm lúc cũng có gia đình rơi vào trường hợp mẹ và vợ không đồng quan điểm, gặp tình huống này, chị Giang, một nữ doanh nghiệp hiện có con trai được 15 tuổi cho rằng: Chị luôn tránh đối đầu giữa việc này với việc kia, mà cố gắng dung hòa giữa các mối quan hệ, dù đó là sếp mình hay đồng nghiệp mình, dù đó là mình hay là chồng mình cũng không bao giờ có sự thắng thua trong quan hệ gia đình và xã hội.

Gia đình doanh nhân hội ngộ tại “Gala dinner” - Ảnh: Lệ Loan.

Biết “khen” để động viên, khích lệ

Được xem là người không chỉ có thành tích nổi bật trên thương trường, mà chị còn nuôi dạy con cái rất thành đạt, trong đó, con gái lớn đã tốt nghiệp Tiến sĩ Harvard và làm việc ở nước ngoài, chị Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc PNJ, Chủ tịch Hội Nữ Doanh nhân TP.HCM cho rằng, chị may mắn có được một mái ấm cân bằng giữa hạnh phúc gia đình và công việc. Tuy nhiên, chị cũng nhìn nhận từng mắc sai lầm trong cách dạy con.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc PNJ - Cao Thị Ngọc Dung trải lòng: “Gia đình hồi đó là thương gia giàu có, có năm, sáu người giúp việc nhà, nhưng con cái trong gia đình không được có tư tưởng “hưởng thụ”, “ỷ lại” mà phải tập tành làm việc ngày từ nhỏ. Ba muốn các con hiểu được giá trị đồng tiền và nỗi vất vả của cha mẹ, ba cũng từng hoạt động cách mạng, nên thường lấy đạo đức Bác Hồ răn dạy, lấy khuôn khổ, kỷ luật trong quân ngũ để giáo dục các con nghiêm khắc”. Tuy nhiên, việc gì cũng có hai mặt, cũng nhờ vậy mà chín anh chị em trưởng thành, ra đời sống có nghị lực. Năm 31 tuổi chị đã là giám đốc.

Vì là thừa hưởng cách giáo dục đó từ gia đình nên vô tình, chị áp dụng một phần khắt khe của cha ngày xưa vào trong cách dạy con bây giờ. Chị không bao giờ cho các con nhận quà từ người khác, chưa từng “khen” con dù con đạt nhiều thành tích học tập nổi bật và coi đó là trách nhiệm đương nhiên của bọn trẻ. Ngay cả quản lý nhân viên, chị cũng không “khen” và không biết khích lệ, động viên khi họ có được thành tích tốt, nên đôi lúc, cũng có nhân viên không hài lòng về chị.

Chính vì cái “sai” này, chị đã trả giá không nhỏ. Năm con gái lớn của chị được 13 tuổi, nhưng trong lòng cháu đã âm ỉ những bất mãn và bức xúc với mẹ. Lúc đó chị đã nhận ra nhưng vẫn không coi đó là vấn đề nghiêm trọng. Mãi đến khi cháu nhận được học bổng, ra nước ngoài học tập và mang theo nỗi bức xúc ngày càng lớn trong lòng, và trước khi tốt nghiệp tiến sĩ Harvard, thì đã có hai năm, cháu phải điều trị tâm lý vì stress nặng. Chị khóc rất nhiều khi nghe con nói ra những suy nghĩ của mình và trách cứ mẹ, rằng các con không có tuổi thơ vui chơi hồn nhiên như bao đứa trẻ khác. Đó là nỗi đau của một người mẹ mà suốt đời chị không bao giờ quên. Bây giờ, đối với con gái út và ngay cả với nhân viên, chị đã biết “khen” nhiều hơn khi họ có thành tích tốt, nên con gái út của chị được xem là đứa “cân bằng” nhất trong ba đứa con của chị.

Đề cập đến vấn đề “cân bằng” để được hạnh phúc, theo PGS TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn, cần biết cân bằng giữa gia đình, công việc và các mối quan hệ xã hội khác. Đôi khi, chính những hoạt động cộng đồng sẽ tiếp thêm cho chúng ta một sức sống mới.

“Đừng bao giờ quên rằng, chúng ta phải cân bằng nhiều thứ trong một mục tiêu. Hãy nhớ khi chúng ta quan tâm đến gia đình, thì tự động gia đình sẽ là hậu phương vững chắc để chúng ta làm việc tốt. Nếu chúng ta quan tâm đến công việc thì tự động chúng ta có nguồn thu nhập ổn định hỗ trợ gia đình. Và nếu như chúng ta có công việc tốt, gia đình vững mạnh thì chúng ta tham gia hoạt động xã hội cực kỳ tự tin”- PGS TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh.

Và để có được một gia đình yên ấm, một mối quan hệ hài hòa trong xã hội, đôi lúc chúng ta cần phải biết “lờ đi” những khiếm khuyết, lỗi lầm nhỏ nhặt của người khác, cần học cách “bỏ qua” cho nhau và nhìn nhận những mặt tốt đẹp, tích cực của người khác để chúng ta có được những cảm xúc tích cực. Trong việc nuôi dạy con cái, đối xử với nhân viên và mọi người, đôi khi không nên quá khắt khe, cần có sự công tâm phân minh, khen thưởng, khích lệ động viên để vun đắp sự tự tin và khơi dậy khả năng tiềm tàng trong mỗi con người. Khi con cái mắc sai lầm, cần phân tích đúng, sai, chấn chỉnh kịp thời và không nên dung túng cho sai lầm của chúng. Và để bản thân được hạnh phúc, cân bằng, cần phải nhìn nhận rằng, trong cuộc sống, đôi lúc chúng ta sẽ gặp những điều trái ý. Thay vì than vãn, trách cứ, hãy học cách đón nhận mọi việc nhẹ nhàng, nhìn nhận sự việc ở khía cạnh tích cực nhất, có như vậy chúng ta mới có được sự thanh thản, bình an và hạnh phúc.