Chờ...

Cân nhắc kỹ khi chọn trường để tăng cơ hội trúng tuyển

(VOH) - Khả năng cạnh tranh vào ĐH năm nay của thí sinh rất lớn, bởi vì năm nay có hơn 530.000 thí sinh có ít nhất một tổ hợp với tổng điểm từ 15 điểm trở lên...

Thí sinh nên xem xét một cách toàn diện để nộp vào ngành có khả năng trúng tuyển cao hơn những ngành khác (ảnh minh họa: Lan Hương)

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu là 15 điểm ở bậc ĐH và 12 điểm ở bậc CĐ, nhiều trường ĐH đã công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển vào trường mình. Thực tế cho thấy có nhiều trường nhận hồ sơ chỉ bằng “điểm sàn” của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, để thật sự trúng tuyển vào trường, thí sinh cần cân nhắc năng lực của mình so với sự thu hút của các trường ĐH, nhất là các trường tốp trên.

Nhiều trường nhận hồ sơ xét tuyển từ 15 điểm

Đến thời điểm này, nhiều trường ĐH tiếp tục công bố điểm xét tuyển nguyện vọng 1 (NV1). Trường ĐH Sài Gòn nhận tổng điểm tối thiểu để nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH là 16 điểm, CĐ là 13 điểm, điểm trúng tuyển xác định theo ngành học và sẽ công bố vào ngày 23/08. Trường tuyển 3.550 chỉ tiêu bậc ĐH và 450 chỉ tiêu bậc CĐ và tiếp nhận thí sinh trúng tuyển từ ngày 07/9/2015.

Trường ĐH Nông Lâm dự kiến điểm tối thiểu cho 4 tổ hợp xét tuyển vào trường tương ứng khối A, A1, B và D1 cho 30 ngành, 54 chuyên ngành của trường là 17 điểm, trường dành toàn bộ chỉ tiêu từ kết quả thi THPT quốc gia. TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông Lâm cho hay ngày 21/08 trường sẽ công bố điểm chuẩn.

Trong khi đó, trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật TPHCM có quyết định “mạo hiểm” khi nhận hồ sơ xét tuyển NV1 vào trường là 18 điểm.

Còn tại trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM, TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng đào tạo trường cho hay tạo điều kiện cho tất cả thí sinh nộp hồ sơ vào trường với mức điểm từ 15 điểm trở lên, tuy nhiên, thí sinh cần hết sức lưu ý. “Hướng thì rất mở nhưng không phải ai cũng có cơ hội trúng tuyển và trở thành sinh viên của trường. Thí sinh phải căn cứ vào điểm đang có trong tay, năng lực thực sự của mình để xem nộp được vào ngành nào dễ trúng tuyển, chứ không phải ngành nào cũng có cơ hội. Để chắc chắn, thí sinh phải xem xét một cách toàn diện, theo dõi thông tin chính xác để nộp vào ngành có khả năng trúng tuyển cao hơn những ngành khác”. ông Hạ nói.

Tương tự, một số trường ĐH nhận hồ sơ chỉ bằng “điểm sàn” của Bộ GD-ĐT, nhưng đây mới chỉ là ngưỡng xét tuyển đầu vào tối thiểu của trường, điểm chuẩn trúng tuyển sẽ công bố cụ thể sau khi kết thúc đợt xét tuyển NV1.

Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM nhận hồ sơ tất cả các ngành hệ ĐH của trường đều có điểm sàn xét tuyển là 15 điểm, các ngành hệ CĐ là 12 điểm. Điểm trúng tuyển NV1 sẽ được trường xác định theo nguyên tắc lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu.

Th.S Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM cũng cho biết, trường xác định điểm nhận hồ sơ xét tuyển NV1 là 15 điểm cho tất cả các ngành hệ ĐH. Tổng số chỉ tiêu của trường là 2.500 chỉ tiêu cho 11 ngành. Trong trường hợp số lượng thí sinh trúng tuyển vượt quá chỉ tiêu của ngành đó, trường đưa ra tiêu chí phụ là xét điểm thi môn chính của tổ hợp xét tuyển đó, giải pháp tiếp theo là nhích số điểm trúng tuyển lên 0,25 điểm để tiếp tục xét.  “Để thí sinh coi mình có khả năng trúng tuyển hay không, một trong những kênh tham khảo là dựa vào điểm trúng tuyển của trường trong vòng 5 năm trở lại, cận nhất là năm 2014 điểm trúng tuyển vào trường là 19 điểm. Thí sinh cũng phải lượng sức mình, xem điểm số của mình nên lựa chọn vào trường nào và đăng ký vào ngành nào, tổ hợp môn thi nào là phù hợp để trúng tuyển NV1 cao nhất”, Ths Hứa Minh Tuấn cho hay.

Tương tự, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đưa ra mức điểm xét tuyển đầu vào bằng “điểm sàn” của Bộ, 4.800 chỉ tiêu bậc ĐH và 1.500 chỉ tiêu ở bậc CĐ, Trung cấp là 500. Trường dự kiến dành 50% chỉ tiêu cho thí sinh sử dụng kết quả THPT Quốc gia và 50% chỉ tiêu cho thí sinh sử dụng điểm học bạ 3 năm THPT. Đồng thời quy định môn năng khiếu của ngành Kiến trúc từ 3 điểm trở lên, ngành Thiết kế Đồ họa không bị điểm liệt.

Trường ĐH Văn Hiến xét tuyển 2.500 chỉ tiêu theo 2 hình thức: Xét học bạ THPT và xét theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Điểm chuẩn là 15 đối với ĐH và 12 đối với CĐ.

Trường ĐH Kinh Tế Tài chính TPHCM cũng xét tất cả các tổ hợp bằng điểm sàn của Bộ, ngoài ra còn nhận hồ sơ xét tuyển theo học bạ THPT.

Cân nhắc kỹ khi chọn trường

Để giúp thí sinh xác định được khả năng trúng tuyển của mình, theo TS Lê Chí Thông, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách Khoa TPHCM, trường sẽ căn cứ vào thí sinh nộp vào trường sẽ quyết định. Tuy nhiên, dự đoán năm nay điểm chuẩn cao hơn năm trước từ 1 – 2 điểm.

Theo TS Thông, việc trúng tuyển năm nay là do thí sinh quyết định, vì trường sẽ công bố thí sinh ở vị trí thứ mấy trong ngành mình xét tuyển. Vì vậy, thí sinh nào điểm cao từ 24 – 25 điểm nên nộp đơn ngay từ đầu để ổn định, còn những thí sinh nào ở ngưỡng 19 – 21 điểm cũng mạnh dạn nộp đơn, đồng thời theo dõi thông tin trên trang web của trường. “Nhà trường sẽ cố gắng công bố càng chi tiết càng tốt, có thể chạy phần mềm xét tuyển tạm thời và công bố kết quả xét tuyển tạm thời của thí sinh theo từng ngày. Thí sinh sẽ biết được là mình có trúng tuyển hay không. Về thay đổi, chắc chắn sẽ có sự thay đổi, có thể biến động nhiều vào những ngày cuối nộp hồ sơ 18, 19, 20/08”, TS Thông thông tin.

Có thể thấy, về phía thí sinh thật sự có nhiều cơ hội lựa chọn khi nhiều trường ĐH có mức điểm xét tuyển tối thiểu vào trường bằng với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, đây cũng là một khó khăn lớn đối với thí sinh khi khả năng cạnh tranh vào ĐH năm nay của thí sinh rất lớn, bởi vì năm nay có hơn 530.000 thí sinh có ít nhất một tổ hợp với tổng điểm từ 15 điểm trở lên, so với chỉ tiêu tuyển sinh đại học thì số thí sinh này nhiều gấp 1,52 lần. Như vậy, thí sinh phải tính toán, cân nhắc để chọn đúng NV1 đảm bảo cho mình cơ hội trúng tuyển cao nhất./.