Thực tiễn chống dịch Covid-19 trong hơn hai tháng qua cho thấy một số vấn đề, đó là dù các nhân viên y tế đã mang trang phục bảo hộ chuyên dụng nhưng khả năng bị lây nhiễm do tiếp xúc với môi trường truyền nhiễm và bệnh nhân vẫn rất cao.
Robot khử khuẩn CD 1.0
Đáp ứng yêu cầu cấp bách là tìm biện pháp giúp đội ngũ y tế tác nghiệp từ xa trong hỗ trợ và điều trị người bị nhiễm Covid, người bị cách ly, nhóm nghiên cứu Robotics của Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã nghiên cứu và chế tạo thành công 02 loại robot để phục vụ cho hai loại khu vực cần khử khuẩn khác nhau: khu vực chịu được nước thì khử khuẩn bằng phương pháp phun xịt thuốc, hóa chất với Robot khử khuẩn CD 1.0 (Covid Defender 1.0); và khu vực không chịu được nước như có nhiều máy móc thiết bị thì khử khuẩn bằng phương pháp chiếu tia UV với Robot khử khuẩn DR 1.0 (Disinfection Robot 1.0).
Nhóm nghiên cứu Robotics của Trường ĐH Tôn Đức Thắng.
PV VOH phỏng vấn Tiến sĩ Dương Thị Thùy Vân, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin - Ứng dụng, đồng thời là Trưởng nhóm nghiên cứu Robotics của Trường Đại học Tôn Đức Thắng xung quanh tính năng, sự vận hành và hiệu quả sử dụng của hai Robot này.
*VOH: Thưa tiến sĩ, trong bối cảnh cả nước cùng chung tay phòng, chống dịch Covid-19, các trường đại học từ năng lực nghiên cứu khoa học của mình đã có những nghiên cứu để phục cho công tác chung này. Đối với nhóm nghiên cứu Robotics của Trường chế tạo hai loại robot phục vụ khử khuẩn trong phòng, chống dịch Covid-19, bà có thể chia sẻ cụ thể hơn?
Tiến sĩ Dương Thị Thùy Vân: Trong tình hình đội ngũ cán bộ y tế thường xuyên tiếp xúc với môi trường nhiễm khuẩn trực tiếp, nhóm nghiên cứu Robotics của Trường đã họp với nhau để nghiên cứu, chế tạo ra các robot có khả năng hỗ trợ, diệt khuẩn một cách tự động, để tránh cho người vận hành giao tiếp trực tiếp với môi trường nhiễm khuẩn. Có hai nơi mình cần phải khử khuẩn, có những khu vực chịu được nước thì khử khuẩn bằng phương pháp phun xịt thuốc, hóa chất diệt khuẩn. Tuy nhiên, có những phòng làm việc có nhiều hồ sơ, trang thiết bị, không thể nào phun thuốc diệt khuẩn, khi ấy cần phải sử dụng công nghệ diệt khuẩn khác. Với cách đặt vấn đề như vậy, nhóm nghiên cứu mới đề xuất chế tạo hai loại robot khác nhau: một loại robot dùng công nghệ chiếu tia UV diệt khuẩn. Ưu điểm của công nghệ chiếu tia UV là nó có khả năng diệt khuẩn rất tốt tới 99,99%, rất phù hợp để diệt khuẩn cho những phòng làm việc có nhiều trang thiết bị, giấy tờ. Vì robot này làm việc trong các phòng làm việc nên nhóm đề xuất phương pháp là xe tự hành. Nghĩa là nó tự vận hành theo quỹ đạo, có khả năng ghi nhớ lại không gian làm việc và lặp lại hành trình. Mỗi ngày, robot tự đi làm nhiệm vụ khử khuẩn cho các phòng làm việc mà không cần bất kỳ người vận hành nào. Robot thứ hai là robot khử khuẩn theo phương pháp là phun thuốc truyền thống. Robot này được điều khiển từ xa, mình ngồi ở những phòng cách ly để điều khiển nó thông qua cuộc gọi Video call, vận hành nó đi diệt khuẩn ở tất cả các khu vực như hành lang, khu vực bệnh viện, khu cách ly.
*VOH: Thưa bà, hai dòng robot này có triển vọng phát triển và ứng dụng vào thực tế ra sao?
Tiến sĩ Dương Thị Thùy Vân: Trong mùa dịch này thì khả năng ứng dụng của 2 Robot này rất rõ ràng, có thể khử khuẩn ở bất kỳ các khu vực nào mà cần khử khuẩn, diệt khuẩn như bệnh viện, các khu vực cách ly, cơ quan công sở bị nghi ngờ có nguồn nhiễm. Còn sau khi chúng ta đã khống chế được dịch bệnh, hai robot này cũng sẽ được phát triển thành những robot có những tính năng khác. Ưu điểm của Robot khử khuẩn CD 1.0 có tải trọng rất lớn tới 170 kg, có thể phát triển nó để vận chuyển các trang thiết bị y tế, đi vào khu vực không gian hẹp, tránh người tiếp xúc, hoặc có thể phát triển thành robot cứu hộ cứu nạn. Trong hỏa hoạn, robot sẽ đi vào khu vực hỏa hoạn để cứu người. Hoặc nếu ta thay dụng dịch thuốc đó thành CO2 thì nó sẽ trở thành robot cứu hỏa. Nhóm khi chế tạo đều nghĩ tới công năng sử dụng của nó, các module là lắp rời nhau. Cho nên, muốn nó trở thành robot cứu hộ cứu nạn, khi đó ta lấy module khử khuẩn ra, thay vào đó là giá đỡ để người có thể ngồi lên và thoát ra khu vực bị nạn.
*VOH: Thưa bà, hiện nhóm nghiên cứu đã tính toán chi phí sản xuất trong nghiên cứu và khi đưa ra thị trường thì chi phí ra sao?
Tiến sĩ Dương Thị Thùy Vân: Đây là sản phẩm nghiên cứu, cho nên trong quá trình làm chỉ số lượng 01 cho nên chi phí hơi cao hơn so với sản xuất hàng loạt. Hiện tại, chí phí sản xuất tầm 100 triệu đồng/con. Nhưng nếu sản xuất với số lượng nhiều, thì giá thành có thể rẻ hơn tầm 80 triệu đồng/con.