Chủ trương một kỳ thi quốc gia: Bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hay ĐH?

(VOH) - Vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT nghiên cứu và thực hiện một kỳ thi chung quốc gia ngay từ năm 2015 và trong ngày 29/7 vấn đề này cũng đã được đề cập đến trong hội nghị tổng kết năm học 2013-2014, triển khai nhiệm vụ năm học 2014-2015 do Bộ GD-ĐT tổ chức. Kết quả kỳ thi chung quốc gia dùng để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ. Theo đó, Bộ GD-ĐT đang gấp rút hoàn thành đề án, trước tháng 10 năm nay sẽ đưa ra tham khảo ý kiến của xã hội.
"Theo dự kiến là một kỳ thi quốc gia sử dụng cho hai mục đích: đó là xét tốt nghiệp THPT và các trường ĐH-CĐ có thể sử dụng kết quả này để tuyển sinh". (ảnh: Vietnam+)

Đa số dư luận xã hội đều đồng tình với chủ trương hướng đến một kỳ thi quốc gia với hai mục đích: đánh giá tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ. Tuy nhiên, vấn đề kỳ thi được tổ chức như thế nào, ai là người đứng ra tổ chức, các yếu tố kỹ thuật ra sao để đảm bảo tính công bằng và tính chất “quốc gia” của một kỳ thi.

Trước chủ trương mới này, nhiều trường bày tỏ sự băn khoăn với tên gọi một kỳ thi quốc gia: bỏ một trong hai kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH-CĐ diễn ra gần như cùng một thời điểm, cùng đối tượng hay tích hợp hai kỳ thi lại với nhau. Bởi vì, nếu một kỳ thi chung được tổ chức như một kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm với tỷ lệ đậu tốt nghiệp hơn 99% có đáng tin cậy?

Theo PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, mặt bằng chung về trình độ phổ thông ở các vùng miền ở nước ta không đồng nhất với nhau cả về đội ngũ, cơ sở vật chất, thậm chí có những nơi không tổ chức học ngoại ngữ nên các em thi tốt nghiệp bằng môn thay thế. Trong khi đó, ở Mỹ hay một số nước khác, việc thực hiện một kỳ thi chung ở bậc phổ thông là do mặt bằng về trình độ phổ thông đồng đều. Do đó, cần tổ chức một kỳ thi quốc gia như một kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ để đảm bảo tính nghiêm túc, đạt mục tiêu yêu cầu mong muốn: “Tôi ủng hộ việc tổ chức một kỳ thi quốc gia, tuy nhiên hình thức tổ chức và quản lý kỳ thi như thế nào đó mới là vấn đề cần đặt ra. Nếu mình tổ chức một kỳ thi quốc gia, theo tôi kỳ thi đó phải do Bộ GD-ĐT và các trường ĐH đứng ra tổ chức. Nếu chọn một kỳ thi, tôi nghĩ kỳ thi tốt nghiệp THPT không cần phải tổ chức, chỉ cần hai kỳ thi học kỳ đánh giá đủ điều kiện các em tốt nghiệp để đi vào đời. Còn chuyện các em muốn học đại học, cao đẳng hoặc cao hơn thì bắt buộc phải thi. Như vậy, kỳ thi quốc gia đó phải thể hiện giống như một kỳ thi đại học”.





Nếu được dư luận ủng hộ, một kỳ thi quốc gia sẽ được triển khai từ năm 2015. Đây là một thách thức lớn đối với Bộ GD-ĐT bởi quỹ thời gian không còn nhiều, trong khi tầm ảnh hưởng đến hàng triệu học sinh trên phạm vi cả nước. Nhiều ý kiến cho rằng với những sự thay đổi mang tính quốc gia như trên cần phải có thời gian thực hiện rõ ràng, thông báo kịp thời để phụ huynh và học sinh có những bước chuẩn bị phù hợp. Còn theo TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Phát triển chiến lược trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, bên cạnh một lộ trình cụ thể về đổi mới thi cử, cần phải có một khung chuẩn quốc gia về năng lực người học ở bậc phổ thông để làm cơ sở cho việc kiểm tra, đánh giá: “Cứ theo lộ trình mà Bộ đặt ra là năm 2015, 2016 vẫn thi ba chung, đến năm 2017 giao cho các trường đại học. Có thể thay đổi bằng cách, học sinh học xong lớp 12 giao quyền tổ chức thi cho các Sở GD-ĐT. Công cụ để kiểm tra đó là khung chuẩn quốc gia về năng lực của người học sau khi tốt nghiệp THPT, cùng với các quy chế, quy định về tổ chức, đánh giá xem xét tốt nghiệp như thế nào, như vậy sẽ chặt chẽ. Chúng ta cũng đừng kỳ vọng sau một năm đầu tiên mọi thứ sẽ được suôn sẻ, thế nhưng chắc chắn người học và cả xã hội sẽ bớt đi áp lực của kỳ thi cồng kềnh, tốn kém”.




Khâu ra đề thi cũng là một vấn đề cần phải được nghiên cứu kỹ để đáp ứng hai mục đích. Có thể nói, những năm gần đây, thành công lớn nhất được ghi nhận ở kỳ thi ba chung, đó là sự chuyển biến của đề thi: theo hướng sinh động và sáng tạo, phân hoá được thí sinh. Điểm tích cực này cần được nghiên cứu và phát huy ở kỳ thi quốc gia sắp tới. Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM, hiện nay có hai phương án đề thi: biên soạn các môn độc lập theo truyền thống như hiện nay hay tổ hợp thành các môn, trong đó bao gồm tất cả các môn đã học trong chương trình THPT, đặc biệt là lớp 12. TS Nguyễn Đức Nghĩa nêu ý kiến: “Chúng tôi cho rằng về lâu dài, đề thi nên tổ hợp các môn lại thành các môn mang tính chất tổng hợp để học sinh được trang bị đầy đủ kiến thức các môn, không có môn nào được xem nặng hay xem nhẹ. Tuy nhiên, quá trình từ cách thi truyền thống như hiện nay là thi theo từng môn, đối với việc đề thi thi theo các môn tổ hợp phải chuyển biến dần dần sao cho học sinh ngay từ năm lớp 10, 11 được tiếp cận với nội dung, cấu trúc đề thi như vậy. Cho nên, chúng tôi nghĩ việc cải tiến tuyển sinh nên công bố rõ các bước đi, để từ đó học sinh được trang bị các kiến thức theo chương trình, theo cấu trúc đề mà các em sẽ phải thi”.




Bộ GD-ĐT cho hay, việc tiến tới một kỳ thi quốc gia sử dụng hai mục đích là một chủ trương rất mới nên hiện vẫn chưa biết đi theo hướng nào là tốt nhất. Hiện Bộ đang soạn thảo đề án kỳ thi quốc gia và mong muốn các nhà khoa học, các chuyên gia giáo dục và xã hội đóng góp ý kiến. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, cho biết: “Chúng ta sẽ tiếp tục đổi mới tuyển sinh ĐH-CĐ theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả và thiết thực nhất. Hướng mà chúng ta tiến tới theo dự kiến là một kỳ thi quốc gia sử dụng cho hai mục đích: đó là xét tốt nghiệp THPT và các trường ĐH-CĐ có thể sử dụng kết quả này để tuyển sinh. Tất nhiên, ngoài việc sử dụng kết quả của kỳ thi quốc gia này, các trường ĐH-CĐ cũng có thể bổ sung thêm các bài test, bài thi, phỏng vấn để kiểm tra năng lực của thí sinh phù hợp với yêu cầu ngành nghề đào tạo của trường mình”.


Theo đó, trong đề án kỳ thi quốc gia sẽ đưa phương thức đề thi, tổ chức thi, coi thi, chấm thi và sử dụng kết quả thi. Về đề thi của kỳ thi quốc gia dự kiến sẽ có phần cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và phần nâng cao khó hơn để các trường ĐH, CĐ làm cơ sở xét tuyển.


Với nhiều sự thay đổi như vậy, thiết nghĩ nếu đi đến quyết định chỉ cần 1 kỳ thi Quốc gia là đủ thì Bộ GD-ĐT nên công bố rõ ràng đề án và lộ trình đổi mới tuyển sinh từ khâu tổ chức thi cho đến khâu ra đề thi, việc hướng dẫn các trường ĐH xét tuyển để người học và các trường ĐH có sự chuẩn bị tốt nhất cho một kỳ thi quốc gia ./.

Bình luận