Chờ...

Chương trình sách giáo khoa mới: Sẽ tích hợp nhiều môn

(VOH) - Theo khẳng định của Bộ GD-ĐT, từ năm 2018 sẽ áp dụng chương trình – sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Chương trình mới sẽ theo hướng tích hợp nhiều môn, tập trung vào các môn chủ yếu theo xu hướng chung của thế giới hiện nay. Riêng đối với sách giáo khoa mới, chủ trương của Bộ là 1 chương trình, nhiều bộ sách. Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOH trao đổi với các chuyên gia giáo dục là PGS-TS Ngô Minh Oanh, PGS-TS Đoàn Văn Điện và TS Nguyễn Hữu Danh.

* Chương trình học phổ thông sắp tới sẽ tích hợp nhiều môn, giảm bớt số môn và tập trung vào một số môn chủ yếu. Ý kiến của PGS-TS Đoàn Văn Điện như thế nào?

PGS-TS Đoàn Văn Điện: Phải nghiên cứu kỹ chương trình đối với những bài nào có liên thông bài sau, phải có kiến thức nền từ bài trước hay ngược lại là những bài độc lập. Đây gọi là tinh giản cần phân biệt với lược giản cơ học.

* Với định hướng này, khi xây dựng sách giáo khoa mới, ai sẽ cùng tham gia viết sách giáo khoa, thưa TS Nguyễn Hữu Danh ?

TS Nguyễn Hữu Danh: Bộ GD-ĐT tập trung làm kĩ một chương trình. Các nhà xuất bản sẽ cạnh tranh ra sách giáo khoa theo yêu cầu của chương trình. Đối tượng tham gia là những nhà khoa học, nghiên cứu - những người hiểu về bộ môn đó và hiểu được xu thế của bộ môn, những giáo viên lâu năm góp ý phù hợp với hoạt động giảng dạy.

* Theo PGS- TS Ngô Minh Oanh, Bộ cũng viết sách giáo khoa thì liệu có khuyến khích được các tổ chức, cá nhân biên soạn những bộ sách giáo khoa khác?

PGS- TS Ngô Minh Oanh: Khi Bộ GD-ĐT có đổi mới về cách thi, đề thi yêu cầu kiến thức mở thì không nhất thiết học sinh phải học sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT thì mới làm được bài. Vấn đề là tổ chức, cá nhân biên soạn phải thông qua tổ chức kiểm định độc lập đáp ứng theo yêu cầu của chương trình, không cần phân biệt sách của Bộ hay sách của cá nhân, tổ chức khác.

* Với chương trình sách giáo khoa mới, việc tổ chức dạy học sẽ phức tạp hơn trước. Để đảm bảo dạy học theo yêu cầu mới thì đội ngũ giáo viên hiện nay có đáp ứng được không ?

TS Nguyễn Hữu Danh: Ba năm sau chương trình sẽ được thực hiện, do đó, chương trình sẽ được công bố trước để các sở giáo dục bồi dưỡng giáo viên, các trường sư phạm cũng cần đào tạo cụ thể theo hướng này nếu muốn sinh viên ra trường có thể giảng dạy được ngay.

PGS-TS Đoàn Văn Điện: Ngay ở các nước cũng có một chương trình khung nhưng mỗi thầy có giáo trình riêng. Tri thức bây giờ như rừng cây rậm rạp, đi thế nào thì người thầy phải hướng dẫn cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu. Đây là la bàn cho thế hệ trẻ đi vào thế giới tri thức.