Có hơn 400 triệu lượt xâm phạm dữ liệu tại Việt Nam

VOH - Dữ liệu được xem là nguồn tài nguyên của kinh tế số, phải được khai thác, quản trị và bảo vệ. Năm 2022 có hơn 400 triệu lượt xâm phạm dữ liệu.

Sáng 3/11, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH, Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS tổ chức hội thảo “Dữ liệu cá nhân trong dòng chảy kinh tế số”.

Theo PGS-TS Phạm Khánh Nam, phó hiệu trưởng Trường UEH, chuyển đổi số, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo AI, tự động hóa đã và đang định hình thế giới của con người, tác động lên mọi khía cạnh đời sống của người dân từ nay đến 50 năm tới.

Việt Nam đang là 1 trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế số cao nhất. Dự báo đến năm 2025, kinh tế số Việt Nam sẽ đạt mức 52 tỉ USD.

Có hơn 400 triệu lượt xâm phạm dữ liệu trong năm 2022 1
 PGS-TS Phạm Khánh Nam, phó hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH - Ảnh: Phi Yến

TPHCM có 22 triệu tài khoản mạng xã hội với các nền tảng thương mại điện tử lớn, kinh tế số đang phát triển nhanh, đóng góp lớn vào tăng trường GRDP của TPHCM. Việc bảo vệ dữ liệu vẫn còn những hạn chế và cần tập trung nhiều giải pháp trong thời gian tới.

Theo TS Nguyễn Thanh Hòa, Trưởng phòng Thông tin điện tử – Sở Thông tin Truyền thông: "TPHCM sẽ xây dựng Trung tâm chuyển đổi số, trong đó có vấn đề xây dựng và thực thi pháp luật trên môi trường mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân".

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông - Hội truyền thông số (IPS) cho biết: dữ liệu cá nhân tại VN được luân chuyển xuyên biên giới thường xuyên, liên tục. Dễ thấy nhất là thông tin cá nhân lưu trữ trên điện thoại cũng là hình thức luân chuyển dữ liệu cá nhân xuyên biên giới. Các doang nghiệp nước ngoài như Amazon web service, Mircosolf Azure, Alibaba Cloud.. hầu hết không đặt trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. 

Để có một chính sách an toàn nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân được luân chuyển xuyên biên giới như hiện nay, ông Nguyễn Quang Đồng đề xuất: Hợp tác quốc tế rất quan trọng, bao gồm khuôn khổ về mặt pháp lý xuyên quốc gia, các giải pháp về mặt kỹ thuật. Tuân thủ tiêu chuẩn dữ liệu toàn cầu sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển được ở các thị trường quốc tế.

Có hơn 400 triệu lượt xâm phạm dữ liệu trong năm 2022 2
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông - Hội truyền thông số (IPS) - Ảnh: Phi Yến

Năm 2022, có hơn 400 triệu lượt xâm phạm dữ liệu, phát sinh tội phạm dữ liệu, lừa đảo, đặc biệt lừa đảo về tài chính trên môi trường mạng. Giải pháp để bảo vệ dữ liệu cá nhân, theo TS Ngô Tấn Vũ Khanh, Giám đốc chương trình đào tạo An toàn thông tin của UEH: "Phải có sự tham gia của 3 đối tượng chính: con người/tổ chức + hành vi/hành lang pháp lý và chính sách + quy trình công nghệ. Đây là 3 kết nối để bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo vệ chủ quyền số, bảo vệ dữ liệu số quốc gia".

Bình luận