Cung cấp nguồn dinh dưỡng phù hợp cho bé

(VOH) - Chăm sóc con cái luôn là vấn đề được các bậc cha mẹ quan tâm. VOH xin tiếp tục gửi tới độc giả những thắc mắc của các bậc cha mẹ và phần tư vấn của Thạc sĩ - Bác sĩ Đào Thị Yến Phi (Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) về các thắc mắc liên quan tới dinh dưỡng cho trẻ.

* Con của tôi đã được 4 tháng tuổi. Do tính chất công việc nên tôi phải sử dụng máy hút sữa để hút sữa và trữ sữa thường xuyên trong tủ lạnh. Vì vậy, bé rất ít khi bú mẹ mà uống sữa mẹ bằng bình. Tôi dự định sẽ tiếp tục sử dụng phương pháp này để duy trì cho bé uống sữa mẹ đến khi bé được 12 tháng tuổi. Tuy nhiên, bạn bè tôi cho rằng, việc bé không bú mẹ trực tiếp thì sữa sẽ ít chất dinh dưỡng hơn và về lâu dài sẽ không kích thích tiết sữa. Điều này có đúng không thưa bác sĩ?

Xét về thành phần dinh dưỡng thì sữa mẹ cho bé bú trực tiếp và sữa mẹ được vắt ra không có sự chênh lệch nhiều. Tuy nhiên, một số chất trong sữa mẹ có thời hạn bảo quản nhất định. Chẳng hạn như vitamin C, các vitamin nhóm B, các chất kháng khuẩn và chất béo trong sữa mẹ có thể bị mất đi hoặc giảm đáng kể khi đưa ra môi trường bên ngoài hoặc trong điều kiện nhiệt độ bảo quản không ổn định (lúc nóng, lúc lạnh). Đối với trường hợp của chị, nếu sữa được vắt ra và cho trẻ uống trong vòng 6-12 tiếng thì chất dinh dưỡng vẫn đảm bảo và không có gì thay đổi so với sữa mà bé bú trực tiếp từ ti mẹ.

Một vấn đề khác là, thông thường các lần mẹ vắt sữa trong ngày sẽ không nhiều bằng số lần mẹ ở bên và cho trẻ bú trực tiếp. Bình thường bé bú từ 10-12 lần/ngày, trong khi mẹ đi làm chỉ có thể vắt được tối đa 5-6 lần/ngày. Chính số lần vắt sữa giảm sẽ ảnh hưởng đến việc tiết sữa. Vì vậy, để khắc phục tình trạng này, chị nên tăng số lần vắt sữa hết mức có thể, tối thiểu từ 5-6 lần mỗi ngày và mỗi lần phải vắt cạn kiệt sữa trong bầu vú, để kích thích tuyến sữa tiếp tục sản xuất sữa.

Việc duy trì nuôi con bằng sữa mẹ đến khi bé được 12 tháng tuổi là rất tốt cho bé. Tuy nhiên, các mẹ không nên bảo quản sữa mẹ quá lâu trong tủ đá và nên vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ trữ sữa để tránh tình trạng sữa bị nhiễm khuẩn.

* Tôi ở cùng mẹ chồng và quan điểm nuôi con của mẹ và tôi khác nhau. Con tôi 18 tháng tuổi và nặng 9.5 kg. Bà cho rằng, ăn quan trọng hơn uống sữa nên bà thường ép cháu ăn. Cháu ở nhà với bà thường ăn ngày ba cữ, ăn thêm các loại bánh và chỉ uống khoảng 350 ml sữa. Cháu ở nhà với mẹ thì ăn ít và uống sữa 800 ml – 1 lit sữa. Như vậy, quan điểm ai đúng ai sai thưa bác sĩ?

Trẻ dưới 2 tuổi sữa là thức ăn chính và thông thường lượng thức ăn từ sữa phải đạt khoảng 40% năng lượng khẩu phần. Tức là, nếu bé cần 1.200 calo thì lượng sữa ít nhất chiếm 700 calo tương đương 800ml sữa.

Quản điểm trẻ ăn nhiều lớn nhanh không phải là sai vì khi trẻ ăn thì tăng cân nặng và uống sữa thì tăng chiều cao. Trước đây, trẻ ngoài 12 tháng thường được cho ăn cơm để mau cứng, tuy nhiên việc bé cứng cáp phụ thuộc vào các chất đạm và calxi – các chất này có nhiều hơn trong sữa.

Giai đoạn này, trẻ cần tăng chiều cao nhiều hơn nên bạn cho bé uống sữa nhiều là tốt. Ngoài ra, bạn nên cùng mẹ chồng nên đến trung tâm dinh dưỡng để được tư vấn cụ thể. Với vai trò của bên thứ 3 có chuyên môn tư vấn, mẹ bạn sẽ thấy rõ được vai trò của sữa trong thực đơn của trẻ.

(Ảnh minh họa: đinhuongchobe.org)

* Bé nhà em 4 tuổi, nặng 16kg, cao 103m. Cháu biếng ăn và hiện răng đã bị sún đến chân răng, em phải chăm sóc bé như thế nào?

Cân nặng và chiều cao của bé nằm trong chuẩn trung bình của người Việt Nam. Điều đó cho thấy, dinh dưỡng hàng ngày mẹ cung cấp cho bé trong 4 năm qua nằm trong mức bình thường. Có thể bé biếng ăn do mẹ bắt ăn nhiều hơn so với nhu cầu thực sự của bé. Mẹ theo dõi, nếu bé tăng đều 0,3 cm chiều cao và 200 gram cân nặng mỗi tháng, thì mẹ không cần lo lắng nhiều.

Về việc bé bị sún răng và răng sữa ngày càng mòn đi, giờ không thể can thiệp thêm mà thay vào đó, mẹ cho bé uống nhiều sữa hơn để nuôi dưỡng những mầm răng phía dưới. Bé bị sún dễ dẫn đến nhiễm trùng gốc răng nên mẹ hãy cho bé đi khám nha sĩ định kì 6 tháng/lần. Nha sĩ kiểm tra và có thể nhổ bớt những gốc răng nằm quá sâu để chuẩn bị cho những răng vĩnh viễn mọc lên.

Khi 6 tuổi bé sẽ thay răng, mẹ cần hỗ trợ bé chăm sóc những chiếc răng vĩnh viễn tốt hơn.

Tư vấn: Thạc sĩ - Bác sĩ Đào Thị Yến Phi (Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch).

Bạn đọc có thể tham gia giao lưu trực tiếp với chuyên gia về các vấn đề nuôi dạy con trong Chương trình Kỹ năng làm cha mẹ (phát sóng trực tiếp từ 20h05 - 21h thứ Sáu hàng tuần). Đăng ký tham gia qua số điện thoại: 08 39 10 48 66. Chương trình do VOH phối hợp cùng Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (Thủ Đức House) thực hiện.