Đại học Quốc gia TPHCM đẩy mạnh đào tạo đại học đạt chuẩn khu vực và quốc tế

(VOH) - Với 21 chương trình đạt chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục đại học theo tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng chung của khu vực ASEAN, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh đang dẫn đầu cả nước và đứng thứ hai ở khu vực Đông Nam Á về số lượng chương trình được đánh giá ngoài. Bên cạnh việc đẩy mạnh về số lượng các chương trình được đánh giá, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh cũng chú trọng nâng cao chất lượng chương trình, thể hiện qua mức điểm đánh giá ngày càng cao.

Trường ĐH Bách Khoa (ĐHQG-HCM) trường đầu tiên tại VN đạt chuẩn ABET vào năm 2014 (ảnh: vnuhcm)

Ngoài ra, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh còn tiếp cận với các bộ tiêu chuẩn quốc tế, với hai chương trình đạt chuẩn kiểm định ABET, là đơn vị duy nhất cả nước đạt chứng nhận uy tín này. Những kết quả đạt được trong công tác đánh giá ngoài và kiểm định chất lượng đã góp phần khẳng định chất lượng đào tạo trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế. Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh dành cho Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) cuộc  phỏng vấn.

VOH: Thưa ông, ĐHQG-HCM hiện đang dẫn đầu cả nước với 21 chương trình đào tạo đạt chuẩn AUN-QA, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm mà ĐHQG-HCM đã làm được để đảm bảo chất lượng và chuẩn hoá các chương trình này?

TS Nguyễn Đức Nghĩa: Chúng ta đã ký những thoả thuận hợp tác, những thoả thuận cấp khu vực và toàn cầu. Trong đó, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực không chỉ riêng cho nước ta mà còn tính đến việc hội nhập nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực trình độ đại học hội nhập vào các nước trong khu vực.

Để chuẩn bị cho việc hội nhập đó, bao gồm cả việc tiếp nhận các lao động trình độ cao của nước ngoài đến làm việc ở Việt Nam, ta còn phải tính đến việc sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp làm việc tại các nước Đông Nam Á. Với định hướng đó, rõ ràng các chương trình đào tạo VN phải phù hợp, đáp ứng yêu cầu về đầu ra của các doanh nghiệp các nước Đông Nam Á.

Như vậy, chúng ta cùng tham gia một hệ thống kiểm định và đánh giá chung. Hiện nay, đối với các nước ASEAN, Hiệp hội các trường đại học Đông Nam Á (gọi tắt là AUN) là một tổ chức có uy tín, tập hợp những trường đại học lớn nhất trong khu vực.

Do đó, định hướng của ĐHQG-HCM ngay từ những năm của thập niên trước đây đã quyết định khi đánh giá và kiểm định chương trình, ĐHQG-HCM chọn các tiêu chí, tiêu chuẩn của tổ chức kiểm định AUN-QA. Tất cả các chương trình đào tạo tại các trường đại học thành viên của ĐHQG-HCM đều được xây dựng theo các tiêu chuẩn, tiêu chí theo chương trình này. Bao gồm: nội dung chương trình đào tạo; chuẩn bị cơ sở vật chất; định hướng đầu ra cho sinh viên. Về số lượng, các chương trình được đánh giá theo AUN-QA của ĐHQG-HCM cao nhất nước, hơn 20 chương trình.

So với một số nước trong khu vực, số lượng chương trình được đánh giá của ĐHQG-HCM cũng ở mức trung bình cao. Định hướng này sẽ được tiếp tục trong những năm tới, hy vọng các trường đại học VN cũng sẽ cùng tham gia hệ thống chuẩn này để chúng ta có mặt bằng chung khi tham gia đào tạo nguồn nhân lực không chỉ cho VN mà còn cho cả khu vực Đông Nam Á.

VOH: Cộng đồng ASEAN đã được thành lập, để tiến tới việc công nhận chất lượng đào tạo, bằng cấp lẫn nhau giữa các trường đại học trong khu vực, theo ông các trường đại học VN cần phải làm gì?

TS Nguyễn Đức Nghĩa: Đối tác của trường đại học phục vụ không chỉ còn là các doanh nghiệp trong nước mà là doanh nghiệp trong hệ thống ASEAN. Do đó, các trường đại học VN không chỉ tìm hiểu nhu cầu đầu ra của các doanh nghiệp trong nước mà còn phải tìm hiểu rất nhiều về nhu cầu nguồn nhân lực trình độ cao của các nước Đông Nam Á.

Có rất nhiều yếu tố chi phối định hướng phát triển về đào tạo theo hội nhập chung. Ví dụ hệ thống tiền lương của sinh viên tốt nghiệp đại học ở các nước thu nhập như thế nào. Thứ hai, hội nhập về công nghệ, về văn hoá...cũng yêu cầu nội dung chương trình đào tạo của các trường cũng phải được cập nhật, để sinh viên ra trường có thể đáp ứng được công nghệ. Khi đến làm việc tại công ty các nước ở khu vực cũng nhanh chóng thích ứng với văn hoá làm việc, văn hoá của đất nước đó.

VOH: Bên cạnh chuẩn AUN-QA, hiện ĐHQG-HCM còn tiếp cận những bộ tiêu chuẩn đánh giá nào trong khu vực và trên thế giới?

TS Nguyễn Đức Nghĩa: Thật ra chuẩn AUN-QA là chuẩn đánh giá về chương trình đào tạo. Trên thế giới hiện nay, tuỳ theo khu vực, tuỳ theo ngành nghề cũng có một số chuẩn đánh giá khác nhau, ví dụ như chuẩn ABET thiên về các ngành nghề lĩnh vực kỹ thuật.

Các chuẩn đánh giá giúp cho các chương trình đào tạo VN hội nhập chuẩn khu vực và quốc tế. Ta phải tìm hiểu tiêu chuẩn, tiêu chí của các chuẩn đánh giá này. Tôi nghĩ đối với từng nhóm ngành đó, nên chọn cho mình những chuẩn đánh giá sao cho với kết quả đánh giá được kiểm định đó, các chương trình đào tạo có thể nhanh chóng hoà nhập được khu vực. Thể hiện đầu tiên là sinh viên tốt nghiệp sau khi được đánh giá theo các chuẩn đó có thể được học tiếp ở bậc cao hơn, hoặc được doanh nghiệp ưu tiên chọn lựa hơn.

VOH: Nếu so sánh với các trường đại học trong khu vực, ông đánh giá vị trí, chất lượng đào tạo của ĐHQG-HCM như thế nào?

TS Nguyễn Đức Nghĩa: Với kết quả của hơn 20 chương trình được kiểm định đạt chuẩn AUN-QA cao nhất nước. Nhưng về mặt chất lượng, với điểm số đạt được thì các chương trình đào tạo của ĐHQG-HCM được kiểm định chỉ ở mức trung bình khá, hiện chỉ có khoảng hai ngành đạt được điểm trên 5.0 so với thang điểm 7, đạt loại khá theo tiêu chuẩn đánh giá. Do đó, sắp tới, không riêng ĐHQG-HCM mà tất cả các trường đại học VN đều phải nỗ lực lớn trong xây dựng đội ngũ, xây dựng cơ sở vật chất, cải tiến chương trình đào tạo sao cho chất lượng đào tạo ngày càng tốt hơn để có thể đạt được những mức điểm cao hơn.