Sáng 11/7, Khu công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) phối hợp cùng Hội tin học TPHCM, Liên Minh chuyển đổi số, Trung tâm hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TPHCM tổ chức phiên hội thảo: Chính quyền số và an toàn thông tin.
Đây là 1 trong những hoạt động nổi bật trong khuôn khỗ Diễn đàn công nghệ quốc tế iTech Expo 2024 với quy mô tầm cỡ khu vực và quốc tế diễn ra từ ngày 10-12/7/2024 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Sky Expo VN.
Bà Phạm Thị Kim Phượng, phó giám đốc QTSC nhận định: từ năm 2023 chính quyền số bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Việc áp dụng chính quyền số đã mang lại nhiều lợi ích cho cả chính quyền và người dân, giúp tiết kiệm nguồn lực, thời gian, thông tin minh bạch, hiệu quả trong việc quản lý, thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Chuyển đổi số góp phần giúp chính quyền cập nhật dữ liệu thông tin toàn diện trên mọi lĩnh vực, từ đó đánh giá tình hình kinh tế-xã hội để đưa ra định hướng, xây dựng chính sách phù hợp.
"Việc đảm bảo an toàn thông tin không những cho chính quyền số mà còn trong các lĩnh vực của đời sống, thành một phần quan trọng trong đảm bảo an ninh quốc gia" - bà Kim Phượng nhận định.
Hội thảo “Chính quyền số và an toàn thông tin” nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm, triển khai những ứng dụng các hoạt động chuyển đổi số, phục vụ chính quyền số để giải quyết các bài toán đang được quan tâm. Đồng thời, hội thảo chia sẻ vai trò, kinh nghiệm áp dụng chuyên sâu trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
Theo ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TPHCM - Phó Chủ nhiệm Liên minh Chuyển đổi số TPHCM (DTA), một trong những nhiệm vụ của DTA là liên kết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số nhằm tạo sức mạnh đồng hành cùng chương trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần vào sự phát triển của chính quyền số.
Sản phẩm của Liên mình Chuyển đổi số tập trung vào 4 giải pháp: chính phủ số, hạ tầng, an toàn thông tin và tư vấn, trong đó tư vấn là giải pháp định hướng cho doanh nghiệp những hướng đi cụ thể của việc chuyển đổi số.
Ông Phí Anh Tuấn cho biết: "Tại TPHCM chúng tôi bắt đầu tăng thêm vai trò tư vấn trong chuyển đổi số, chúng tôi tiếp tục bổ sung và làm giàu giải pháp của liên minh chuyển đổi số TPHCM".
Trong quý 1 năm 2024, thông qua hệ thống giám sát An toàn thông tin trong trung tâm CNTT và giám sát an ninh mạng - Ban cơ yếu của chính phủ đã phân tích và phát hiện có tổng số 32.265 nguy cơ tấn công mạng nhắm vào các mạng công nghệ thông tin trọng yếu của nước ta, tăng 18,7% so với chu kỳ năm 2023.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng phòng An toàn thông tin - Trung tâm Viễn thông QTSC phân tích bức tranh tổng quan về tình hình an toàn thông tin với tổng cộng 5.100 vụ tấn công mạng vào các hệ thống tại Việt Nam.
Gần 400 website của các cơ quan nhà nước và tổ chức giáo dục bị hacker tấn công, chèn mã quảng cáo cờ bạc, cá độ.
Số lượng các cuộc tấn công mạng tăng 40% so với cùng kỳ năm trước, với các phương thức tấn công ngày càng tinh vi, trong đó Ransomware vẫn là mối đe dọa hàng đầu, gây thiệt hại lớn cho các tổ chức, doanh nghiệp.
Do đó, đảm bảo an toàn thông tin là vấn đề cấp thiết song hành trong hoạt động chính quyền số.
Nói về các giải pháp để nâng cao năng lực phát hiện và ứng phó với các mối nguy an toàn thông tin, ông Nguyễn Thanh Lâm hướng đến 4 nhóm giải pháp gồm đảm bảo an toàn mạng, đảm bảo an toàn máy chủ, đảm bảo an toàn ứng dụng và đảm bảo an toàn dữ liệu, đặc biệt là ứng phó với Ransomware.