Tiêu điểm: Nhân Humanity

Đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục: Tập trung đổi mới tư duy

(VOH) - Sáng 24/03, Trường cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM tổ chức hội thảo “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và sách giáo khoa” với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cùng đại diện các Sở giáo dục và đào tạo các tỉnh thành phía Nam.

Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên quyết định sự thành công?!

Các đại biểu cho rằng sự thành công của đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa tùy thuộc rất lớn vào hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên.

Tuy nhiên công tác này còn nhiều bất cập như chưa xuất phát từ nhu cầu của giáo viên và cán bộ quản lý, phương thức đào tạo ở các trường sư phạm chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học…

Thạc sĩ Phan Tấn Chí, Phó trưởng Khoa Quản lý giáo dục, Trường cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM nêu thực tế Bộ GD-ĐT đã nhiều lần tập huấn về định hướng đổi mới nhưng các địa phương tỏ ra lúng túng trong triển khai. Bởi lẽ việc bồi dưỡng đội ngũ đang theo hình tháp ngược, từ đội ngũ cốt cán ở các địa phương đến cán bộ quản lý rồi mới đến giáo viên, nghĩa là càng xuống tới cơ sở giáo dục thì thời gian và nội dung bồi dưỡng cũng rút ngắn.

Ai sẽ đổi mới giáo dục? (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Chính sách tạo động lực cho giáo viên

Nhà giáo nhân dân - TS Đặng Huỳnh Mai thì cho rằng chỉ trường nào có hiệu trưởng dám nghĩ dám làm, có tư duy đổi mới mạnh mẽ thì ở đó thương hiệu và chất lượng giáo dục mới thật sự phát triển.

Bên cạnh đó để thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa, Thạc sĩ Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận đề nghị cần cho giáo viên chủ động phân phối thời gian giảng dạy cũng như đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá:“Trước đây trong kiểm tra đánh giá phải chuyển từ coi trọng khả năng ghi nhớ sang khuyến khích năng lực tìm kiếm, ngoài bài kiểm tra truyền thống nên có nhiều hình thức khác để đánh giá”.

Thạc sĩ Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT  TPHCM cũng cho rằng ngành sư phạm có những đặc thù cả về năng lực và phẩm chất đạo đức, phải luôn năng động sáng tạo, trau dồi kiến thức, phương pháp dạy. Chúng ta yêu cầu cao ở đội ngũ giáo viên tuy nhiên trong thực tế vẫn thiếu cơ chế động viên, do vậy Bộ GD-ĐT cần có chính sách để tạo động lực cho đội ngũ.

 “Chúng tôi ví dụ như trong môn tiếng Anh đòi hỏi giáo viên đạt chuẩn theo khung năng lực Châu Âu thì khi đạt được rồi sẽ có chính sách nào khác tạo động lực cho giáo viên nỗ lực đạt yêu cầu”, Thạc sĩ Thanh nói.

Cần đổi mới tư duy

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên quan trọng nhất là đổi mới tư duy.  Đây là việc làm lâu dài, không cầu toàn ngay, lúc đầu có thể chưa tốt nhưng sẽ được bồi dưỡng dần dần và liên tục.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh dân chủ trong quản lý nhà trường cũng là điều kiện quan trọng để đội ngũ thực hiện tốt chương trình, sách giáo khoa mới: “Chương trình, sách giáo khoa mới được thực hiện tốt cần đổi mới nhà trường phổ thông, coi trọng dân chủ hóa trong quản lý nhà trường. Nhà trường phải là thể chế mở, dân chủ với giáo viên, học sinh, phụ huynh, nhà trường được đối xử dân chủ tại địa phương”.

Bình luận