Đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu thực tiễn

(VOH) – Ngày 23/9, Ban Văn hóa Xã hội HĐND TPHCM đã có buổi giám sát tình hình hoạt động, công tác đào tạo tư vấn nghề, giới thiệu việc làm cho học viên sau khi được đào tạo tại Trường Cao đẳng nghề Quận 2.

Cô Trần Thị Hoa – Giáo viên Trường CĐ nghề Quận 2 đang hướng dẫn cho học viên cách vẽ trang trí móng tay (Ảnh: PD)

Từ năm 2014 đến nay, trường đã tuyển được 457 học viên với các ngành nghề đào tạo như: Tin học, nữ công – may công nghiệp, điện, sửa xe ô tô, sửa xe gắn máy, cơ khí. Sau khi tốt nghiệp học viên được giới thiệu việc làm. Tuy nhiên, trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn như chỉ tiêu tuyển sinh còn thấp, cơ sở vật chất chỉ đáp ứng cơ bản yêu cầu đào tạo và chưa có nguồn kinh phí để đào tạo giáo viên cũng như tăng cường đầu tư máy móc thiết bị.

Đề cập đến vấn đề này, theo ông Phạm Văn Công – Phó Phòng Lao động việc làm (Sở Lao động Thương binh và Xã hội) cho rằng, muốn thu hút người học nghề thì nhiệm vụ, mục tiêu phát triển đào tạo nghề phải được thực hiện trên cả 3 mặt: quy mô, chất lượng, hiệu quả.

Các trường dạy nghề phải bám sát vào yêu cầu của doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ, phải dạy những gì xã hội cần, chấm dứt kiểu chỉ dạy những gì mình có và bất chấp nhu cầu của xã hội.

“Thứ nhất là phải đáp ứng được như cầu của doanh nghiệp, do chương trình đào tạo nghề được xây dựng trên cơ sở mặt bằng chung. Do đó không đào tạo theo địa chỉ mà đào tạo theo cái chung. Cho nên nếu doanh nghiệp muốn sử dụng thì phải đặt hàng với nhà trường để có những chương trình chuyên biệt cho doanh nghiệp", ông Phạm Văn Công nói.