Báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng những công việc đã tiến hành nhằm chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2015 vào ngày 9/3 vừa qua, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu lên một số điểm mới của kỳ thi này.
Cụ thể, năm nay sẽ có 38 cụm thi liên tỉnh (ít nhất 2 tỉnh, thành phố) dành cho các thí sinh thi tốt nghiệp THPT có nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng; 60 cụm thi tỉnh dành cho các thí sinh chỉ có nguyện vọng thi tốt nghiệp. Việc tổ chức tại các cụm thi đều theo quy trình giống nhau. Kết quả thi 4 môn tối thiểu đồng thời được sử dụng để xét tuyển vào các ngành phù hợp của các trường đại học, cao đẳng.
Liên quan đến những thay đổi ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, phóng viên Đài đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga. Ảnh: TNO
Đề thi nằm trong chương trình phổ thông, đặc biệt là lớp 12
* Thưa ông, với những thay đổi của kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, cấu trúc đề thi sẽ như thế nào để vừa đáp ứng mục đích tốt nghiệp THPT, vừa xét ĐH-CĐ?
- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Hiện nay, vì chương trình sách giáo khoa mới chưa có nên việc thay đổi đề thi cũng theo từng bước các em có thể thích nghi, không gây sự hoang mang lo lắng cho thí sinh. Vì vậy, trong năm 2015 này và những năm tiếp theo, đề thi cũng sẽ được ra theo hướng đã biết trong năm 2014 trở về trước, tức là đề thi vẫn nằm trong chương trình phổ thông, đặc biệt là lớp 12. Những kinh nghiệm như: đề kiểu mở, vận dụng thực tiễn, không bắt buộc thuộc lòng máy móc…sẽ được vận dụng trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Để đảm bảo kỳ thi đạt cả hai mục đích vừa xét tốt nghiệp THPT vừa tuyển sinh ĐH-CĐ, đề thi sẽ có phần cơ bản là những kiến thức nền tảng của chương trình phổ thông, có phần nâng cao để phân loại học sinh để giúp các trường đại học tuyển sinh. Vì vậy, các em cứ yên tâm ôn tập theo chương trình đã học hiện nay.
Xét tuyển ĐH- CĐ nên chọn môn sở trường
* Việc lựa chọn môn thi như thế nào để vừa xét tốt nghiệp, vừa xét ĐH-CĐ cũng là vấn đề băn khoăn của nhiều thí sinh. Theo nhiều ý kiến, việc chọn nhiều môn sẽ càng có cơ hội xét tuyển vào đại học nhiều hơn. Theo ông điều này có cần thiết?
- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Trên nguyên tắc, các em chọn thi nhiều môn thì sẽ có cơ hội xét tuyển vào ĐH-CĐ rộng hơn. Các em cần tập trung vào những môn sở trường của mình để tập trung học tập cho tốt. Bởi vì kỳ thi có tính chất cạnh tranh, nếu các em học nhiều môn dễ bị phân tán, không có cơ hội có điểm cao để trúng tuyển ĐH-CĐ. Vì vậy, các em lựa chọn một số môn học phù hợp nhất, xuất phát từ sự yêu thích ngành nghề của mình mà lựa chọn. Còn việc chọn tổ hợp môn xét tuyển như thế nào thì hiện nay các trường cũng đã công bố thông tin này. Trên nguyên tắc các trường phải dành trên 70% chỉ tiêu để xét tuyển thí sinh theo những khối thi truyền thống như A, B, C trước đây, cho nên thí sinh nào đã chuẩn bị từ trước cũng không thiệt thòi gì. Các trường sẽ bổ sung một số tổ hợp xét tuyển mới để tuyển thí sinh đa dạng hơn, phù hợp với các ngành đang đào tạo.
Thông tin về xét tuyển ĐH, CĐ: vào trang thông tin điện tử của trường
* Năm nay là năm đầu tiên Bộ giao quyền tự chủ tuyển sinh hoàn toàn cho các trường nên phương thức tuyển sinh của các trường không giống mọi năm, mỗi trường mỗi khác nhau. Vậy, thí sinh làm thế nào để biết những thông tin liên quan của các trường như: cách thức tuyển sinh, tổ hợp môn thi xét tuyển, có tổ chức sơ tuyển hay không?
- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Trước hết, các em muốn thi vào trường nào các em vào trang thông tin điện tử của trường đó. Sắp tới, Bộ cũng sẽ công bố thông tin tổng hợp của các trường. Hiện nay, các trường cũng đã công bố đề án tuyển sinh riêng được Bộ xác nhận phù hợp với quy định của quy chế. Các em cứ theo dõi trên trang thông tin của các trường để các em lựa chọn môn thi phù hợp, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tham gia xét tuyển.
* Đối với vấn đề cụm thi, việc tổ chức riêng biệt cụm thi dành cho thí sinh chỉ xét tốt nghiệp THPT và cụm thi dùng cho thí sinh vừa xét tốt nghiệp vừa xét vào ĐH-CĐ có ý nghĩa gì đối với thí sinh?
- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Việc tổ chức các cụm thi như vậy tạo thuận lợi cho các em. Thí sinh chỉ muốn thi để xét tốt nghiệp thì có thể thi tại trường phổ thông đang học hoặc cụm liên trường phổ thông, tuỳ theo số lượng thí sinh đăng ký, địa bàn mà các địa phương sẽ quyết định. Các em thuận tiện là không phải đi xa. Còn nếu các em dịch chuyển từ địa phương này sang địa phương khác, các địa phương sẽ lo cho các em trong việc di chuyển. Còn đối với các em thi để xét vào ĐH-CĐ sẽ thi tại địa phương mình hoặc địa phương lân cận nên việc đi lại cũng sẽ thuận lợi so với trước, giảm áp lực đi lại rất nhiều. Tất cả những sự tổ chức như vậy nhằm mục đích thuận lợi nhất cho thí sinh và giảm áp lực thi cử đối với xã hội.
Thí sinh tự do có thể nộp hồ sơ đăng ký dự thi ở địa phương hoặc tỉnh thành khác
* Vậy, thí sinh đang học lớp 12 và thí sinh tự do, việc nộp hồ sơ đăng ký dự thi năm nay có gì khác?
- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Bộ đã hoàn tất phần mềm, các em chỉ đăng ký tại trường phổ thông đang học qua mạng, còn nơi nào điều kiện công nghệ thông tin khó khăn thì các em khai vào phiếu, các trường sẽ giúp các em điền thông tin này vào. Bởi vì dữ liệu tuyển sinh năm nay sẽ quản lý trên cả nước để phục vụ cho công tác xét tuyển vào ĐH-CĐ và xét tốt nghiệp. Thông tin các em cần kê khai cũng không khác mọi năm, chỉ khác là: các em ghi rõ mục đích kỳ thi xét tốt nghiệp hay vừa xét tốt nghiệp, vừa xét ĐH-CĐ.
Đối với thí sinh tự do, các em có thể đăng ký bất cứ nơi nào của địa phương và Sở GD-ĐT sẽ làm thủ tục cho các em đăng ký, sau đó các em chọn điểm thi sao cho thuận lợi đối với việc đi lại và địa bàn cư trú của mình.
* Dự kiến khi nào Bộ công bố danh sách cụm thi để thí sinh có thể nắm rõ?
- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Danh sách cụm thi và hướng dẫn công tác thi sẽ được ban hành ngay trong tháng 3 này. Bộ sẽ tập huấn cho các sở, các trường tham gia. Khi đó thí sinh sẽ biết rõ tất cả thông tin cần thiết để thực hiện việc đăng ký dự thi.
* Cám ơn ông.