Doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ

(VOH) - Phỏng vấn ngắn ông Nguyễn Quân về xung quanh các giải pháp làm thế nào để doanh nghiệp thật sự quan tâm đến việc đổi mới công nghệ trong điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã đưa ra những vấn đề cụ thể nhằm đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ, trong đó lấy doanh nghiệp làm trọng tâm, từ việc tạo điều kiện để doanh nghiệp hình thành các nguồn quỹ để đổi mới khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng thúc đẩy sản xuất. Tiến đến xã hội hóa, đa dạng nguồn đầu tư cho khoa học công nghệ.

Xung quanh các giải pháp làm thế nào để doanh nghiệp thật sự quan tâm đến việc đổi mới công nghệ trong điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, phóng viên Đài TNND TPHCM có phỏng vấn ông Nguyễn Quân - Bộ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ.

- PV: Thưa Bộ trưởng, trong nhiều năm qua, lĩnh vực khoa học và công nghệ (KHCN) của nước ta đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng cho đến nay Khoa học công nghệ vẫn chưa thật sự trở thành động lực để phát triển kinh tế - xã hội nước nhà. Nhiều người cho rằng do đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ của nước ta còn thấp, Bộ trưởng có bình luận gì về ý kiến này?

Doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ 1
Bộ trưởng Bộ khoa học và công nghệ Nguyễn Quân.

- Bộ trưởng Nguyễn Quân: Có thể nói là đầu tư cho KHCN nước ta hiện nay rất khó khăn, chủ yếu là đầu tư từ doanh nghiệp Nhà nước, trong khi các quốc gia khác dựa vào xã hội rất nhiều, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp. Tôi cho rằng có những giải pháp mà chúng ta phải tháo gỡ. Đầu tiên phải nâng cao nhận thức cho DN để họ nhận thức được rằng đầu tư cho khoa học là để cho DN phát triển bền vững, phát triển và trụ được trong nền kinh tế thị trường. Và khi đã trụ được rồi thì Nhà nước phải có những quy định bắt buộc doanh nghiệp phải đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ của chính doanh nghiệp mình và đóng góp cho sự phát triển khoa học công nghệ quốc gia.

- PV: Như Bộ trưởng đã chia sẻ, phải đến lúc doanh nghiệp phải trở thành trung tâm, chủ động và tích cực trong việc đầu tư đổi mới công nghệ cũng như có trách nhiệm đóng góp vào các nguồn quỹ đổi mới công nghệ. Theo Bộ trưởng làm thế nào để doanh nghiệp hào hứng hơn với điều này?

- Bộ trưởng Nguyễn Quân: Nghị quyết TW6 sẽ quy định DN nhà nước phải đầu tư lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho khoa học và công nghệ. Tỉ lệ là bao nhiêu thì tùy thuộc vào loại hình và quy mô doanh nghiêp, đối với DN ngoài nhà nước thì khuyến khích dành một phần lợi nhuận đầu tư cho khoa học công nghệ, nếu như chưa có nhu cầu sử dụng thì khuyến khích họ đóng góp cho nhà nước ở các tỉnh, thành phố hoặc của các bộ ngành. Khi đã có quỹ rồi thì làm thế nào để họ sử dụng cho hiệu quả thì nhà nước phải có những giải pháp để khuyến khích sử dụng. Ví dụ như hiện nay chúng ta đang quy định 100% kinh phí của doanh nghiệp trong quỹ phải được đối xử như doanh nghiệp nhà nước, chi tiêu theo doanh nghiệp nhà nước điều này làm doanh nghiệp rất khó khăn, chúng tôi mong muốn sau này sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc sử dụng nguồn quỹ của họ. Chẳng hạn như khoảng 75% kinh phí doanh nghiệp bỏ ra thì họ được chủ động hoàn toàn không có các chứng từ khó khăn, đồng thời các quỹ địa phương phải hỗ trợ đổi mới công nghệ. Quỹ cũng giống như tín dụng phải lần lượt đầu tư cho các doanh nghiệp. Làm như thế thì doanh nghiệp mới cảm thấy rằng mình muốn đóng góp và khi mình đóng góp thì phải hiệu quả.

- PV: Tại TPHCM, mới đây, trong kỳ họp lần 7 HĐND TPHCM khóa VIII, lãnh đạo thành phố cũng đưa ra giải pháp đó chính là trong tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước bắt buộc ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin. Đây là 2 chương trình quan trọng, phải có. Khi xếp loại doanh nghiệp nhà nước, sẽ chấm điểm thấp, hạ điểm lãnh đạo… nếu doanh nghiệp đó không có hoạt động ứng dụng 2 lĩnh vực này. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những hoạt động khoa học của TPHCM?

- Bộ trưởng Nguyễn Quân: Tôi cũng đánh giá là TPHCM cũng là địa phương đi đầu trong cả nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ, chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Không phải địa phương nào cũng có thể làm được. Khi đã bước vào nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp phải được xem là trung tâm đổi mới, là nơi làm ra sản phẩm hàng hóa từ kết quả nghiên cứu. Chúng tôi đang xem xét xây dựng đề án thị trường khoa học công nghệ, trong đó xem doanh nghiệp là chủ thể của thị trường công nghệ nếu không các nhà khoa học nghiên cứu không thì cũng không thể tạo ra sản phẩm nếu không có thị trường. Do vậy phải nghiên cứu để tạo ra điều này, làm sao Nhà nước bỏ ra một phần vốn thì doanh nghiệp bỏ ra 2-3 lần như thế tạo ra sản phẩm cạnh tranh, có giá trị gia tăng. Khi doanh nghiệp đã quan tâm đến việc đổi mới công nghệ thì nền kinh tế của nước ta được lợi và nhà nước ta được lợi. Thậm chí một số năm đầu, nhà nước có thể không thu được thuế hoặc thu ít nhưng nhờ tái đầu tư vào phần thuế dược miễn, doanh nghiệp sẽ phát triển sản xuất tạo ra ra doanh thu 5-10 lần và khi đó họ đóng thuế 5-10 lần. Nói khác đi, Nhà nước cũng phải thắt lưng buộc bụng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Chúng ta nuôi dưỡng nguồn thu chính bằng khoa học công nghệ.

- PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.

Bình luận