"Đổi mới giáo dục không thể chần chừ và kéo dài"

(VOH) - Giáo dục đại học và cao đẳng của chúng ta suy nghĩ lại về quy mô và chất lượng đào tạo phù hợp, có như vậy khi ra trường mới được xã hội chấp nhận

Năm 2014 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo. Sau một năm thực hiện đã gặp phải không ít trở ngại nhưng nhìn chung, chủ trương này đang nhận được sự đồng tình ủng hộ mạnh mẽ của các chuyên gia giáo dục cũng như dư luận xã hội trên nhiều phương diện như: chuyển từ dạy chữ sang dạy người, đổi mới đánh giá nhận xét, đổi mới thi cử, chương trình, sách giáo khoa...

Những quyết sách đổi mới giáo dục đang được người dân kỳ vọng triển khai một cách triệt để (Ảnh: Tuyên giáo)

Bước sang năm 2015, những quyết sách đổi mới giáo dục đang được kỳ vọng sẽ triển khai một cách mạnh mẽ và triệt để hơn. Ngành giáo duc đang đứng trước thời cơ lớn khi được sự hậu thuẫn của chính phủ và sự đồng thuận của xã hội, nhưng cũng đang đối mặt với thách thức lớn về nguồn lực cũng như cách thức thực hiện. Trong những ngày đầu Xuân 2015, phóng viên Thùy Trang đã phỏng vấn PGS-TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục.

Kết quả nổi bật sau thực hiện đổi mới

* Thưa ông, năm 2014 - năm đầu tiên ngành GD-ĐT thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện đã mang lại những kết quả gì nổi bật, những quyết sách nào đã thực sự đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả tích cực?

- PGS-TS Ngô Minh Oanh: Đã trải qua một năm từ khi Ban chấp hành trung ương Đảng ra Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục – đào tạo đã có những bước đổi mới chuyển từ chú trọng kiến thức sang hình thành và phát triển năng lực, từ chú trọng dạy chữ sang dạy người.

Trong năm vừa qua ngành giáo dục – đào tạo đã có những chuyển biến đáng ghi nhận. Về quá trình tổ chức dạy học đã có những sự thay đổi nổi bật như đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét, các em bớt gánh nặng chạy theo điểm số để tập trung rèn luyện những kĩ năng khác, giáo viên chú trọng giáo dục nhân cách, phẩm chất và kĩ năng mềm cho các em. Hay như chuyển biến trong kì thi THPT có một số môn các em tự chọn rõ ràng đã làm giảm áp lực cho các em được chọn môn thi theo thiên hướng nghề nghiệp và năng lực, đây là việc làm mà giáo dục định hướng theo năng lực, nhu cầu và định hướng nghề nghiệp.

Kỳ vọng từ việc đổi mới SGK, nhập kỳ thi THPT và CĐ-ĐH

* Trong các vấn đề thì chương trình, sách giáo khoa là yếu tố được quan tâm hàng đầu khi Quốc hội vừa thông qua nghị quyết về đổi mới chương trình - sách giáo khoa. Như vậy ông kì vọng chương trình sách giáo khoa mới sẽ có gì khác biệt?

- PGS-TS Ngô Minh Oanh: Chương trình và sách giáo khoa đóng góp rất quan trọng vào quá trình đổi mới bởi vì chương trình nào sẽ có sách giáo khoa đó và chương trình sách giáo khoa như thế nào sẽ tổ chức dạy học như thế đấy.

Sách giáo khoa tới đây chắc chắn có sự thay đổi. Ở các nước, những người có tâm huyết muốn cống hiến cho giáo dục đào tạo và muốn biên soạn sách giáo khoa tập hợp thành nhóm đăng kí với nhà nước biên soạn sách giáo khoa. Và việc biên soạn đó rõ ràng phải có năng lực nhất định về mặt chuyên môn, sư phạm và có nguồn tài chính hoặc nhà xuất bản đứng phía sau hỗ trợ. Nhưng sau khi xong rồi phải do Nhà nước kiểm định về mặt nội dung, phương pháp, mục tiêu dạy học mới được phổ biến. Tuy nhiên sự kiểm định lớn nhất là học sinh và giáo viên, bộ sách giáo khoa tốt thật sự sẽ được học sinh và giáo viên lựa chọn.

* Thưa ông, bên cạnh đổi mới chương trình sách giáo khoa, trong năm 2015 các phần việc nào cần được đẩy mạnh, tăng tốc?

- PGS-TS Ngô Minh Oanh: Định hướng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đường hướng đã rõ theo Nghị quyết 29 về đổi mới cơ cấu giáo dục phổ thông, tổ chức dạy học, hệ thống kiểm tra đánh giá… đã có định hình nhất định. Trong đó khâu quan trọng nhất là nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên vì suy cho cùng kết quả thành bại do đội ngũ này quyết định, các trường sư phạm phải đi trước một bước trang bị kiến thức phát triển và xây dựng chương trình, dạy học phát triển năng lực, dạy học theo chương trình. Hay là tổ chức nhập hai kì thi tốt nghiệp THPT và ĐH-CĐ với sự chuẩn bị chu đáo tổ chức cụm thi hợp lí, công tác coi thi và chấm thi ở các cụm như nhau. Giáo dục đại học và cao đẳng của chúng ta suy nghĩ lại về quy mô và chất lượng đào tạo phù hợp, có như vậy khi ra trường mới được xã hội chấp nhận.

 Phát triển giáo dục đào tạo: ưu tiến số một

* Chưa bao giờ đổi mới giáo dục - mệnh lệnh từ cuộc sống trở thành một yêu cầu cấp thiết, được toàn xã hội dõi theo với nhiều kì vọng như vậy. Ngành GD-ĐT đang đứng trước thời cơ lớn cần hành động như thế nào để đổi mới thành công?

- PGS-TS Ngô Minh Oanh: Sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước đang đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao cho nên chúng ta không thể chần chừ và kéo dài quá trình đổi mới, tuy nhiên cần những bước đi phù hợp với lộ trình thì sẽ đạt kết quả như mong muốn. Điều này phụ thuộc vào sự nỗ lực của toàn ngành GD-ĐT, đội ngũ giáo viên, phụ huynh học sinh và các tổ chức chính trị xã hội.

Với quyết tâm cao và chúng ta đầu tư cho giáo dục như chủ trương của Đảng và Nhà nước khẳng định coi giáo dục – đào tạo là quốc sách hàng đầu. Nghị quyết 29 đã chỉ rõ trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của các địa phương và cả nước  thì phải ưu tiến số một phát triển giáo dục đào tạo từ đó chúng ta sẽ có những giải pháp đồng bộ đầu tư về đào tạo con người, tài chính, sự quan tâm… nếu chúng ta đảm bảo được những điều kiện cho sự phát triển giáo dục thì tôi tin rằng sự nghiệp đổi mới sẽ thành công.

* Xin cảm ơn ông!

Bình luận