Khu vực được nghiên cứu sâu 11.000 m (Ảnh: CNN)
Nghiên cứu của các nhà khoa học từ NOAA, Đại học bang Oregon và Cảnh sát biển được tiến hành trong hơn 3 tuần tại điểm sâu nhất của đáy biển (còn được gọi là vùng Challenger Deep) – sâu khoảng 11.000m.
Các nhà nghiên cứu vô cùng ngạc nhiên khi đáy biển không hề yên tĩnh mà ồn ào đến chói tai khi tổng hòa tiếng ồn của động đất, tiếng “rên rỉ” đặc trưng của cá voi tấm sừng hàm và tiếng ồn của một cơn bão chỉ tình cờ di chuyển ngang phía trên.
Ngoài ra, còn có âm thanh chấn động địa chất và các tiếng ồn nhân tạo như chân vịt của tàu biển (Guam là một trung tâm vận chuyển trong khu vực).
Thiết bị ghi âm bọc titan được thả xuống biển (Ảnh: Noaa)
Các nhà khoa học đã thả micro xuống khu vực này vào tháng 7/2015 và ghi lại âm thanh liên tục dưới đáy biển trong 23 ngày liên tiếp. Để đối phó với áp lực nước, áp suất khí quyển, micro được bọc một lớp titan.
Mục tiêu của dự án nhằm thiết lập một cơ sở dữ liệu âm thanh tại những nơi sâu nhất của đại dương. Từ đó, đo lường những âm thanh nhân tạo (không ngừng tăng trong suốt những năm qua) và đánh giá mức độ ảnh hưởng đến sinh vật biển (như cá heo, cá voi) hay nghiên cứu việc sử dụng âm thanh giao tiếp của cá…
Các nhà nghiên cứu dự định sẽ trở lại vào năm 2017 để ghi âm trong thời gian dài hơn kèm theo một máy ảnh dưới đại dương sâu.