Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Giải quyết các vấn đề sức khỏe khi mang thai

Dinh dưỡng đầy đủ và khám thai định kỳ là một số những yếu tố cần thiết để người phụ nữ có một thai kỳ an toàn, khỏe mạnh. Tuy nhiên, trong quá trình này có thể xuất hiện rất nhiều vấn đề phát sinh mà thai phụ không thể tự giải quyết được. Thạc sĩ - Bác sĩ Đào Thị Yến Phi (Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) sẽ tư vấn một số vấn đề đang được nhiều thai phụ quan tâm.

* Sau khi chích ngừa Rubella 2 tháng, phụ nữ có thể mang thai được không?

Phụ nữ trước khi mang thai cần được tiêm phòng Rubella bởi trong thời gian mang thai mà không may mắc phải chứng bệnh này sẽ vô cùng nguy hiểm bởi có thể gây dị tật cho thai nhi. Cụ thể:

Trong 3 tháng đầu: Khi bà mẹ mang thai 3 tháng đầu bị bệnh Rubella thì dễ bị sảy thai hoặc thai chết lưu trong tử cung . Và thống kê cho thấy 70%-100% trẻ sinh ra bị Rubella bẩm sinh và 25% trẻ bị dị tật bẩm sinh ở các cơ quan tim, mắt, não…do vi-rút ức chế khả năng phân chia tế bào, tác động đến sự phát triển cơ quan, dẫn đến nhiều bất thường về cấu trúc, gây dị dạng cho thai nhi và bé còn có thể bị câm, điếc, chậm phát triển trí tuệ…

Sau 3 tháng: Nếu mẹ có thai được 13-16 tuần, thì trẻ bị Rubella bẩm sinh với tỷ lệ 17%. Khi thai được 17- 20 tuần, thì tỷ lệ 5%. Và khi thai hơn 20 tuần, rất hiếm gặp dị tật và tỷ lệ gần như là 0%.

Theo khuyến cáo, tốt nhất người phụ nữ nên mang thai sau khi chích ngừa rubella khoảng 3 tháng - khi cơ thể đã sản sinh ra kháng thể. Tuy nhiên nếu lỡ có bầu sau khi tiêm ngừa trong giai đoạn 2 – 2,5 tháng thì cũng không ảnh hưởng gì đến thai nhi cả. Bạn không nên quá lo lắng nhé!

* Tôi xảy thai cách đây gần 1 năm, hiện đã cấn thai lại. Chồng tôi nói mua yến ăn để dưỡng thai. Tuy nhiên, bạn bè tôi nói, thời gian đầu cấn thai không nên ăn yến. Xin bác sĩ tư vấn giúp về vấn đề này?

Việc xảy thai lần đầu có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau và nếu không xác định được nguyên nhân cụ thể thì chị cũng không nên đổ lỗi cho việc không ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Cho nên, việc dưỡng thai lần này chị cũng nên dưỡng như bất cứ bà bầu khác, đồng thời nên thăm khám thường xuyên để tiên liệu xem các nguyên nhân gây xảy thai trước còn tiềm ẩn trong lần này hay không.

Về vấn đề dinh dưỡng, từ xưa tới nay, tại một số nước Á Đông đã quen với việc sử dụng yến như một thực phẩm chức năng bồi bổ cơ thể. Các nghiên cứu khoa học hiện nay xác định, các thành phần của yến cũng không có gì đặc biệt hơn so với các loại thực phẩm thông thường khác, chỉ có các acid amin thiết yếu và một số vitamin trong yến nhiều hơn mà thôi. Chị có thể ăn yến dưỡng thai để an lòng và xem đây như một thực phẩm ăn thêm chứ không phải là thực phẩm chính.

Để đảm bảo sự phát triển của thai nhi cần đến 40 chất dinh dưỡng khác nhau, ngay cả yến chưng đường phèn hay bổ sung đậu xanh cũng không thể cung cấp đủ 40 chất dinh dưỡng này. Do đó, chị cần có một chế độ ăn đa dạng, phong phú: ăn 3 bữa chính như bình thường, ăn thêm nửa chén cơm và thức ăn mỗi bữa. Ngoài ra, chị cần ăn thêm 3 bữa phụ: chè, cháo, bún, sữa…hay bất cứ món ăn nào khác là đủ chất dinh dưỡng cho cả mẹ và con.

Trong 3 tháng đầu của thai kì, bà bầu nên ăn các chất dinh dưỡng có trong sữa, rau củ quả và những bữa cơm bình thường là được. Trong trường hợp bà bầu ăn nhiều năng lượng và ít chất dinh dưỡng sẽ không tốt cho quá trình hình thành các cơ quan của thai nhi.

(Ảnh minh họa: healthmeup.com)

* Em đang mang thai và đã có sữa non. Vòng ngực em nhỏ - khoảng 85 cm, không biết sau này có đủ sữa cho bé bú hay không?

Các bà mẹ dù vòng ngực lớn nhỏ như thế nào cũng đủ sữa cho bé bú, nhất là trong vòng 6 tháng đầu sau sinh. Việc tiết sữa không phụ thuộc vòng ngực mà phụ thuộc và số lượng tuyến sữa là bao nhiêu và khả năng hoạt động của tuyến sữa như thế nào.

Có những người ngực nhỏ nhưng tuyến sữa nhiều. Thay vì một ngày tuyến sữa làm việc 5-7 lần, khi cho con bú nhiều lần thì tuyến sữa có thể tiết sữa đến 10-12 lần. Như vậy, tổng số sữa trong ngày cao hơn các bà mẹ có vòng ngực lớn nhưng số tuyến sữa ít.

Tâm lý lo lắng của mẹ có thể ảnh hưởng đến việc tiết sữa, vì vậy, các mẹ hãy suy nghĩ thoải mái và yên tâm rằng, bà mẹ nào cũng có thể nuôi con bằng sữa mẹ.

* Trong quá trình mang thai em bị nhiễm trùng tiểu, điều này có ảnh hưởng gì tới thai kì hay không?

Trong quá trình mang thai, người phụ nữ thường ra huyết trắng thai kỳ. Trong điều kiện môi trường ẩm ướt, thai phụ dễ bị nhiễm nấm, nhiễm trùng. Thông thường, để điều trị bệnh này các bác sĩ sẽ tư vấn cho thai phụ sử dụng các loại kháng sinh an toàn - được phép dùng trong thai kì.

Trong quá trình mang thai, thai nhi được bảo vệ rất tốt trong môi trường độc lập và vô trùng. Bé nằm trong bọc nước ối, được bao bọc bởi lớp cơ tử cung của người mẹ và tử cung được đóng chặt bởi nút nhầy. Trong khi đó, đường tiểu là đường khác song song với tử cung. Nếu thai phụ phát hiện mắc nhiễm trùng tiểu từ tháng thứ 4 của thai kỳ, thì thai đã đủ lớn, có thể tránh được các nguy cơ 3 tháng đầu tiên và không ảnh hưởng tới thai kì.

Nếu chị đã được bác sĩ tư vấn và kê toa thì sẽ không có gì đáng lo ngại.

* Em mang thai được 8 tháng, vòng bụng 92, bác sĩ nói nước ối ít – có ảnh hưởng có em bé không?

Vòng bụng lớn hay nhỏ không nói lên được thai lớn hay nhỏ mà qua siêu âm mới có thể chẩn đoán chính xác. Vào những tháng cuối thai kỳ, nếu vòng bụng nhỏ có thể liên quan đến thiểu ối nhưng cần phải biết chính xác mức độ nhiều hay ít. Nếu thai nhi phát triển bình thường và chỉ thiểu ối một chút thì không ảnh hưởng gì đến thai kì cả.

Mẹ có thể khắc phục bằng cách hạn chế ăn mặn, uống nhiều nước, và chia nhỏ số lần uống nước trong ngày để tăng lượng nước ối. Nếu thiểu ối ở mức độ nặng bác sĩ sẽ có chỉ định can thiệp phù hợp.

* Trong quá trình mang thai phụ nữ không nên uốn tóc, nhuộm tóc, sơn móng tay, điều này có đúng không? Tuy nhiên tôi đang làm việc tại tiệm uốn tóc, không thể bỏ việc được. Liệu điều này có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Trong quá trình mang thai, người phụ nữ được khuyến cáo không tiếp xúc với bất kì chất nào có thành phần hóa chất tổng hợp. Trong các loại thuốc uốn tóc, nhuộm tóc, sơn móng tay có chứa rất nhiều hóa chất, đặc biệt là hóa chất chứa benzene – dễ xâm nhập vào cơ thể. Rất khó để bạn thay đổi công việc, nhưng nếu tiếp tục làm việc trong 3 tháng đầu khi bé đang hình thành các cơ quan thì không thể ước lượng được mức độ tổn thương có thể xảy ra.

Vì vậy, bạn nên xin làm việc ở bộ phận khác (gội đầu), hoặc sử dụng găng tay và khẩu trang chứa than cacbon khi tiếp xúc với hóa chất.

Tư vấn: Thạc sĩ - Bác sĩ Đào Thị Yến Phi (Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch).

Bạn đọc có thể tham gia giao lưu trực tiếp với chuyên gia về các vấn đề nuôi dạy con trong Chương trình Kỹ năng làm cha mẹ (phát sóng trực tiếp từ 20h05 - 21h thứ Sáu hàng tuần). Đăng ký tham gia qua số điện thoại:

08 39 10 48 66. Chương trình do VOH phối hợp cùng Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (Thủ Đức House) thực hiện.

Bình luận