Hiểu rõ về túi khí xe ô tô để tránh chấn thương khi bị tai nạn

(VOH) - Với những người ngồi trong xe ô tô, điều duy nhất có thể giúp họ giảm thiểu được các chấn thương chính là túi khí. Hiểu rõ về công năng của túi khí, bạn sẽ có thể sử dụng hiệu quả công cụ này.

>>> Nghe chương trình tại đây

Túi khi xe hơi giúp giảm thiểu mức độ chấn thương của người ngồi trong xe (Ảnh: Oriellycc)

Tầm quan trọng của túi khí

Túi khí là thiết bị an toàn bắt buộc trên hầu hết xe hơi hiện nay.

Túi khí (airbag) là một túi tự động bơm đầy khí khi có tai nạn xảy ra nhằm giảm thiểu mức độ chấn thương của người ngồi trong xe bao gồm các chấn thương ở vùng đầu, cổ, ngực và mặt của người lái và hành khách ngồi kế bên khi xe bị va chạm từ phía trước.

Với loại xe chỉ trang bị 2 túi khí và cảm biến phía trước, túi khí sẽ không hoạt động trong các trường hợp xe bị lật, va chạm giữa 2 xe cùng chiều, xe bị đâm ngang, xe bị đâm vào vật mảnh mà chưa chạm vào cảm biến (cột điện). 

Một số dòng xe hiện đại được trang bị thêm các túi khí bên hông. Túi khí này sẽ hoạt động khi xe bị va chạm trực diện vào khoang hành khách với một lực đủ lớn theo thiết kế của nhà sản xuất.

Video: Những điều cần chú ý để phát huy hiệu quả của túi khí (Nguồn: Youtube)

Túi khí không được hiểu là “vật hộ mệnh” giúp cho người ngồi trên xe để tránh được thương vong trong tất cả các tai nạn ô tô. Vì vậy, thắt dây an toàn là cách hiệu quả để phòng tránh va đập thứ cấp trong xe.

Hơn nữa, kể cả trong trường hợp bung túi khí, với tốc độ 300km/h, lực nén hoàn toàn có thể gây gãy xương cho người trưởng thành. Vì vậy, thắt dây an toàn cũng là cách để tránh va chạm mạnh với thiết bị an toàn này.

Để túi khí hoạt động hiệu quả, không nên dịch ghế quá gần đến vị trí đặt túi khí, không gác chân, đặt đồ lên khoảng không gian mà túi khí có thể bung ra. Khoảng cách an toàn tối thiểu giữa người và túi khí là 25cm.

Tuyệt đối không cho trẻ em ngồi trên lòng người khác, đặc biệt là ghế trước. Bởi khi phanh gấp hay đổi hướng lái đột ngột, trẻ em sẽ bị văng ra theo quán tính, hết sức nguy hiểm. 

Để trẻ em, người già, phụ nữ có thai ngồi hàng ghế trước, khi gặp sự cố, túi khí nổ nhiều khi sẽ gây phản tác dụng. 

Cơ cấu hoạt động của túi khí

Túi khí gồm 3 bộ phận chính: Túi chứa khí, hệ thống tạo khí và bộ cảm biến va chạm.

Khi xảy ra va chạm, cảm biến có tên ACU sẽ nhận ra va chạm qua máy đo gia tốc, sau đó kích hoạt hệ thống bơm phồng các túi khí. Lượng khí gas lớn nén trong thể tích nhỏ khiến túi khí bung ra với tốc độ cực lớn, khoảng 300km/h. 

Sự kích hoạt túi khí phụ thuộc vào 2 yếu tố cơ bản: Lực va đập của xe (gây nên gia tốc giảm dần của xe); Vùng và hướng va đập (điểm và hướng va chạm xuất phát đầu tiên).

Trong vòng 5 giây, các khí này từ từ được thoát ra theo các lỗ nhỏ để bạn không bị mắc kẹt trong xe.

Để biết túi khí trên xe có hoạt động hay không cần chú ý đèn báo hiển thị trên mặt táp lô. Hệ thống này có chức năng theo dõi cụm cảm biến túi khí, nguồn điện và bộ bơm. 

Đèn báo này sáng khi bật khóa điện và tắt đi sau khoảng 6 giây. Nếu đèn báo hiệu không sáng, hoặc không tắt trong suốt quá trình lái thì túi khí hoặc hệ thống báo gặp sự cố, cần kiểm tra ngay lập tức.


 

CÁC THÍNH GIẢ TRÚNG GIẢI BÌNH ACQUY KHÔ ĐỒNG NAI DÀNH CHO XE MÁY KHI THAM GIA “TRÒ CHUYỆN CÙNG BÁC TÀI” ngày 29/3/2015 

Anh Chiến 09136515xx

Anh Sỹ 012298657xx

 

Chương trình "Trò chuyện cùng Bác tài" do Công ty CP Pin ắc quy Miền Nam (Pinaco) tài trợ - được phát sóng từ 9h05 đến 9h30, thứ Ba hàng tuần, trên sóng FM 99.9MHz, Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM. Số điện thoại tham gia giao lưu trực tiếp: (08) 3910 4866.