Hội nghị đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học

(VOH) - Sáng nay, 7/1, Hội đồng Lý luận Trung ương và trường Đại học Sài Gòn tổ chức hội thảo “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học ở Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI”.
Sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM trên giảng đường. Ảnh:  NLĐ

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI đánh dấu bước phát triển mới đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo nước nhà, việc vận dụng tinh thần của nghị quyết vào đổi mới giáo dục đại học cần thực hiện ngay. GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, giáo dục đại học cần thực hiện những bước chuyển đổi từ quá trình chủ yếu truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; từ phát triển chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng, hiệu quả với số lượng hợp lý; từ giáo dục còn khép kín, cứng nhắc, biệt lập sang hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông. Trong quá trình thực hiện mục tiêu này, giáo dục đại học cần phải giải quyết những vấn đề mấu chốt: “Giáo dục đại học phải giải quyết ba vấn đề mấu chốt: thứ nhất từng bước khắc phục tình trạng khép kín của cả hệ thống, của từng cơ sở đào tạo, hình thành cơ chế mở trong từng trường, trong toàn hệ thống, mở giữa hệ thống giáo dục đại học với đời sống xã hội, cộng đồng quốc tế. Thứ hai, mềm hóa, linh hoạt hóa quá trình tổ chức và phương thức vận hành giáo dục đại học. Thứ ba, khẩn trương xóa bỏ tình trạng chia cắt, biệt lập về chương trình, nội dung đào tạo trong từng trường, giữa từng trường trên lĩnh vực, trên từng địa bàn và trong toàn hệ thống”.

Còn PGS.TS Nguyễn Quý Thanh, Viện trưởng Viện đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, vấn đề tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tạo ra đột phá về chất lượng giáo dục. Tự chủ đại học là xu thế phổ biến trên thế giới, khuyến khích sự sáng tạo của các nhà khoa học, giúp giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh với các trường đại học trên thế giới. Để thực hiện thành công tự chủ đại học, theo PGS.TS Nguyễn Quý Thanh cần triển khai những giải pháp đồng bộ: “Xây dựng chương trình hành động cấp chính phủ qua ủy ban đổi mới giáo dục quốc gia, khi cơ quan này được thành lập thực hiện tự chủ đại học, giám sát việc thực hiện tự chủ đại học. Giải pháp nữa liên quan tái cấu trúc hệ thống đại học, thực hiện phân tầng đại học theo hoạch định để đầu tư theo sứ mạng, mục tiêu mà các trường đại học đã được xác định”.

Bàn về đào tạo giáo viên trong bối cảnh đổi mới, PGS.TS Nguyễn Văn Đệ cho rằng, các trường sư phạm cần chú trọng đào tạo cách dạy phương pháp học và đào tạo kĩ năng giải quyết vấn đề, kĩ năng hợp tác. Các giải pháp hỗ trợ tuyển sinh sư phạm vẫn có thể theo phương thức ba chung nhưng cần thêm vòng phỏng vấn nhằm tuyển được người yêu nghể dạy học. Ngoài ra, cần một quy hoạch quản lý vĩ mô, ngành giáo dục cần bao nhiêu thì đào tạo bấy nhiêu; chế độ đãi ngộ giáo viên phải thỏa đáng, miễn học phí chỉ là một trong những giải pháp để thu hút người khá giỏi vào ngành sư phạm trong khi giải pháp mang tính căn cơ, bền vững nhất để thu hút người tài vào ngành sư phạm vẫn là chế độ đãi ngộ, chính sách lương với giáo viên sau khi ra trường.

Đề cập vai trò của giáo dục đại học góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố, Bí thư thành ủy Lê Thanh Hải nhấn mạnh TP.HCM quyết tâm đổi mới mạnh mẽ giáo dục đại học trên địa bàn: “Như Nghị quyết Trung ương 8 khóa 11 về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã chỉ rõ chất lượng giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Đây là một băn khoăn, trăn trở và áp lực với thành phố trong quá trình phát triển. Từ thực tiễn đó, nghị quyết đại hội IX Đảng bộ TPHCM đã đặt ra 6 chương trình đột phá mà chương trình hàng đầu là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặt ra yêu cầu đối với các trường đại học, cao đẳng coi giáo dục đào tạo của các trường là mũi đột phá đầu tiên nhằm xây dựng nhanh nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Với nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình, TPHCM sẽ cùng với các Bộ ngành trung ương, cùng với các trường làm hết sức mình để nghị quyết sớm đi vào thực tế, để có những kết quả thực tế, tạo nên diễn biến tích cực của giáo dục đại học tại TPHCM”.