Hơi thở mới của chương trình Tiếp sức mùa thi

(VOH) - So với mọi năm, sức ép của kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng trong 2 năm nay đã giảm đi nhiều lắm bởi không còn cảnh chật vật, chen lấn của hàng ngàn sĩ tử và các bậc phụ huynh vào mỗi mùa thi. Với hình thức thi tốt nghiệp THPT kết hợp xét tuyển Đại học, Cao đẳng đã làm sức ép của kỳ thi giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, không vì thế mà hoạt động của chương trình Tiếp sức mùa thi ở TPHCM trở nên lắng đọng.

Từ "điều ước mùa thi"...

Những ngày này, nhiều bậc phụ huynh khi đưa con em dự thi ở điểm trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) đều rất ấn tượng tấm bảng có dòng chữ “Điều ước mùa thi”. Tấm bảng được treo trang trọng ngay trước cổng ra vào nên gây sự chú ý với bất kỳ ai. Phía dưới tấm bảng, gần 100 lá thư nhỏ xinh, gửi gắm những thông điệp ý nghĩa do chính các thí sinh, phụ huynh hoặc người thân viết. Nguyễn Kiều Vân, sinh viên khoa Y dược cổ truyền (ĐH Y dược TPHCM) trong khi đưa em đi thi cũng nắn nót viết những lời chúc cô đọng nhưng hàm chứa lời chúc mừng đỗ đạt đến các em.

“Em chỉ muốn chúc các bạn thật bản lĩnh, tự tin để có thể hoàn thành tốt kỳ thi rất quan trọng. Trước kia, tụi em không hề có nội dung này nhưng các anh chị sinh viên tình nguyện cũng hỗ trợ tụi em rất nhiều về tinh thần. Các anh chị cũng động viên, cổ vũ nhiệt tình lắm. Em thấy, hoạt động Tiếp sức mùa thi giờ mỗi năm mỗi khác nhưng mục đích chính vẫn là cổ vũ, động viên tinh thần cho các em thêm tự tin hơn vào bản thân mình“, Kiều Vân cho biết.

Theo anh Nguyễn Thái Hà, Bí thư Đoàn trường ĐHKH Tự nhiên, tấm bảng “Điều ước mùa thi” là sáng kiến của Ban chỉ huy chiến dịch Tiếp sức mùa thi cấp Trường. Đây là định hướng chung của Trường dành cho các chiến sĩ tham gia các đội hình Tiếp sức mùa thi bởi 2 năm nay, với hình thức thi “2 trong 1”, vừa thi Tốt nghiệp THPT kết hợp với xét tuyển ĐH, CĐ nên công tác tổ chức kỳ thi ở TPHCM đã không có áp lực như trước. Hầu hết thí sinh đều ở TPHCM nên áp lực về chỗ trọ, đưa rước thí sinh cũng không còn. Chính vì vậy, ngoài hỗ trợ phân luồng giao thông, phát nước và đồ ăn miễn phí cho thí sinh hoặc người nhà, công việc của các sinh viên tình nguyện đã nhẹ nhàng hơn và có quỹ thời gian trống nhất định.

Từ thực tế đó, Ban chỉ huy chiến dịch “Tiếp sức mùa thi Trường ĐH KHTN đã đề ra sáng kiến “làm một cái gì đó” ý nghĩa hơn các sĩ tử trong mùa thi năm nay. “Cái gì đó” theo lời của anh Nguyễn Thái Hà, Bí thư Đoàn Trường ĐH KHTN chính là tấm bảng “Điều ước mùa thi” - nơi đón nhận những lời ước, những lời cầu chúc tốt đẹp cho các thí sinh trước một kỳ thi lớn. 

"Điều ước mùa thi" - nơi đón nhận những lời ước, những lời cầu chúc tốt đẹp cho các thí sinh

"Tinh thần của Tiếp sức mùa thi là sẽ động viên các bạn cũng như để cho các bạn có định hướng nghề nghiệp rõ ràng nên Trường mới quyết định làm bảng Điều ước mùa thi. Các đội hình Tiếp sức mùa thi ở các điểm thi sẽ ngồi lại thống nhất với nhau các hình thức để tặng quà cho thí sinh, vừa phải mang dấu ấn hỗ trợ của các anh chị sinh viên vừa phải tạo động lực cho các thí sinh khi đi thi phải đạt quyết tâm cao nhất, phải đặt mục tiêu là mong muốn vào ĐH,CĐ theo đúng ước mơ của mình. Với thông điệp “Hãy chắp cánh ước mơ” hoặc “Hãy để ước mơ của mình bay cao”... Để tạo động lực cho các thí sinh thoải mái trước khi bước vào thi. Từ đó, các bạn đặt ra quyết tâm thi để đạt kết quả tốt nhất”, anh Hà nói.

Ngoài những thông điệp ý nghĩa được gửi gắm, 350 sinh viên tình nguyện của Trường ĐH KHTN ở 14 điểm thi trên địa bàn thành phố còn gửi đến cho các phụ huynh ở điểm mình phụ trách những chiếc quạt giấy “hand make” ý nghĩa giữa trưa hè oi nồng.

Đánh giá về sáng kiến này, ông Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng phòng Hỗ trợ đời sống sinh viên, Phó ban Thường trực Chiến dịch tình nguyện hè 2016 TPHCM nói: “Thực ra, trong chiến dịch năm nay tôi thấy có mỗi Trường ĐH KHTN có ý tưởng, sáng kiến mới trong chương trình Tiếp sức mùa thi. Còn làm móc khóa tặng sinh viên thì năm nào trường ĐH KHXH&NV, ĐH Sư phạm đều đã làm. Việc này mang lại sự động viên tinh thần rất lớn cho các bạn thí sinh. Thí dụ, trước khi thí sinh vào phòng thi các bạn sẽ ghé vào đó ghi điều ước của mình, khi các bạn quay ra, làm bài được tốt rồi thì các bạn sẽ ghi thêm hy vọng của mình vào môn thi của ngày kế tiếp nữa”.

Đến hỗ trợ đưa rước, tìm nhà trọ miễn phí...

Năm nay, ngoài 64.000 thí sinh ở TPHCM, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015 - 2016, thành phố còn đón thêm 2.000 thí sinh ở Long An, thi tại Cụm thi thuộc trường ĐH Sài Gòn. Chính vì vậy, không chỉ phân luồng giao thông, ở điểm thi này, các sinh viên tình nguyện còn hỗ trợ đưa rước, tìm nhà trọ miễn phí, phát thức ăn, nước uồng cho các thí sinh.

Chứng kiến những chiếc áo xanh tình nguyện năng động, nhiệt tình và hết mình hỗ trợ cho các thí sinh, phụ huynh và người nhà, nhiều người không khỏi xúc động. Bà Tạ Thị Lê, 64 tuổi ở quận 8 chia sẻ: “Những người chân ướt chân ráo mà không có chỗ dựa, đến thành phố lớn như thế này lại gặp những người quá tốt bụng như thế này tôi quá xúc động cũng không biết nói như thế nào nữa”.

Năm nay, chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh ở TPHCM dự kiến có tổng cộng 20.000 lượt chiến sĩ tham gia trên khắp mặt trận. Ngày 4/7, ngày thi cuối cùng của đợt thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm học 2015 - 2016. Tuy nhiên, phần việc của các bạn sinh viên tình nguyện sẽ chưa dừng ở đây. Sau đợt thi này, từ 30/7 - 12/8, bóng dáng của những chiếc áo xanh tình nguyện sẽ lại xuất hiện tại các bến xe, nhà ga, trường đại học để tiếp tục hỗ trợ cho các thí sinh trong việc nộp hồ sơ xét tuyển tại các trường ĐH, CĐ ở TPHCM.

Bắt đầu từ năm 1996 với tên gọi “Chương trình hỗ trợ thí sinh dự thi Đại học - Cao đẳng”, do Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TPHCM khởi xướng. Đến năm 2001, trước hiệu ứng xã hội sâu rộng, Trung ương Hội sinh viên Việt Nam, Bộ GD&ĐT, Báo Thanh Niên cùng Tập đoàn văn phòng phẩm Thiên Long nhân rộng quy mô lên toàn quốc với cách gọi mới là chương trình “Tiếp sức mùa thi”. 

Từ đó, qua 20 năm, dấu ấn của chương trình đã lan tỏa rộng khắp để rồi mỗi khi nhắc đến tên gọi “Tiếp sức mùa thi”, xã hội lại nhớ đến bóng dáng của những chiếc áo xanh tình nguyện, không quản ngại mưa nắng, ngược xuôi trên từng tuyến đường, hỗ trợ sĩ tử từ các miền quê đến các thành phố để chuẩn bị cho một kỳ thi lớn.

Bình luận