Khai mạc Hội nghị toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam lần thứ 24 (Vietnam ICT Outlook - VIO 2019)

(VOH) - Sáng 31/10, tại TPHCM đã diễn ra Hội nghị toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam lần thứ 24 (Vietnam ICT Outlook - VIO 2019) với chủ đề "Định hình tương lai Fintech Việt Nam".

Toàn cảnh Công nghệ thông tin – Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Outlook – VIO), một trong những sự kiện lớn về CNTT-TT được tổ chức thường niên ở Việt Nam từ năm 1995, năm nay tập trung vào chủ đề “Định hình tương lai Fintech Việt Nam – Shaping the future of Vietnam Fintech” nhằm có cái nhìn sâu rộng hơn và huy động tư duy từ nhiều nguồn để đưa hoạt động Fintech vào guồng, đem lại nhiều lợi ích hơn cho xã hội – đặc biệt là nền kinh tế.

Hội thảo VIO 2019 được Hội Tin học TPHCM (HCA) phối hợp cùng Học viện Fintech Academy Singapore (FTA), Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng Đại học Quốc gia TPHCM (VNUHCM-IBT) tổ chức.

Đây là sự kiện để các công ty công nghệ, các công ty công nghệ tài chính, các ngân hàng, cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành nghề và các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ về các cơ hội, thách thức và giải pháp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái số trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng ở Việt Nam. Theo ban tổ chức, VIO 2019 lần này cũng mong muốn đóng góp một phần nhỏ vào kế hoạch xây dựng TPHCM trở thành một trung tâm tài chính khu vực với những nền tảng công nghệ, các ứng dụng Fintech mới nhất và phù hợp với tình hình thực tế tại thành phố và Việt Nam.

Tại Việt Nam, các công ty Fintech đang phát triển mạnh mẽ và đạt số lượng gần 170 công ty, tập trung ở ba dịch vụ chính: thanh toán, cho vay ngang hàng và huy động vốn cộng đồng. Đáng lưu ý, đến 70% công ty fintech ở Việt Nam là các công ty khởi nghiệp có vốn đầu tư từ nước ngoài.

Các chuyên gia cũng cho biết, Fintech đang mở rộng trên nhiều lĩnh vực tại Việt Nam, kể cả tham gia vào xây dựng các TP thông minh, bởi lợi thế hạ tầng công nghệ của Việt Nam có thể nói tốt so với khu vực, các doanh nghiệp Việt Nam còn non trẻ nhưng đã phát triển đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên trở ngại để mở rộng phạm vi ứng dụng vẫn là khung khổ pháp lý cho Fintech tại Việt Nam còn thiếu và yếu, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân nên, chưa khuyến khích và tạo sự an tâm cho DN. Bên cạnh việc lắng nghe kinh nghiệm của các chuyên gia, các DN toàn cầu về phát triển Fintech, doanh nghiệp cũng chia sẻ những khó khăn, đề xuất kiến nghị để phát triển Fintech tại Việt Nam.

VIO 2019 gồm có các hoạt động: hội thảo phiên toàn thể với các báo cáo; hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa các ngân hàng, doanh nghiệp công nghệ, quỹ đầu tư, hãng công nghệ trong và ngoài nước; các hội thảo chuyên đề với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế uy tín và nhiều kinh nghiệm; tham quan và trải nghiệm công nghệ tại khu trưng bày VIO – FinTech Conference; cơ hội trao đổi, giao lưu các ý tưởng công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm gọi vốn và vận hành doanh nghiệp trong cộng đồng start-up về FinTech.

VIO 2019 năm nay với sự tham gia của 30 gian hàng triển lãm đến từ các ngân hàng, công ty Fintech, doanh nghiệp CNTT đem đến cho cộng đồng công nghệ thông tin, cộng đồng Fintech, cộng đồng tài chính-ngân hàng và người sử dụng cơ hội vừa trải nghiệm khách hàng (customer experience) và vừa trải nghiệm triển khai (execution experience), cho phép khách hàng thử nghiệm tự phục vụ, theo thời gian thực, trên nhiều thiết bị, trong môi trường bối cảnh tùy biến (contextual environment) để tạo ra các trải nghiệm cá nhân phù hợp. Các lĩnh vực doanh nghiệp có nhu cầu tìm kiếm đối tác là giải pháp ngân hàng điện tử, giải pháp thanh toán; AI và IoT, bảo mật, blockchain…