Thành công từ dự án nhỏ
Xe đẩy Bánh Mì Má Hải. Ảnh: muctim
Hồ Đức Hải – khi là sinh viên Khoa quản trị kinh doanh Đại học Kinh tế TPHCM xem " khởi nghiệp từ dự án nhỏ" là chìa khóa mở cửa tương lai. Ít ai ngờ, từ một sinh viên bán bánh mì lề đường cách đây 2 năm, Hồ Đức Hải bây giờ tự mở doanh nghiệp riêng và là ông chủ trẻ của chuỗi xe đẩy Bánh Mì Má Hải.
"Hồi đó, tôi tham gia nhiều hoạt động tình nguyện, gây quỹ từ việc bán sản phẩm dạo, bán báo hay bán sách, bán tập hay sim, card điện thoại. Từ đó tạo cho mình một mong muốn kinh doanh một cái gì đó riêng.
Đối với những bạn đang khởi nghiệp, các bạn phải mạnh dạn và tự tin hơn bên cạnh đó phải xử lý công việc bình tĩnh, chậm rãi, không vội vàng. Các bạn khởi nghiệp bây giờ rất nóng lòng, nghĩ cái gì là muốn làm liền, ngay và luôn".
Hồ Đức Hải - ông chủ trẻ tuổi của chuỗi xe đẩy Bánh Mì Má Hải. Ảnh: Zing
Thành công từ đam mê
Từ đam mê xương rồng, Lê Nam hiện là sinh viên trường Mỹ thuật đa phương tiện ARENA gây dựng mô hình riêng và có thu nhập ổn định.
"Chơi xương rồng hơn một năm, tôi mới bắt đầu kinh doanh chứ không phải đùng một cái kinh doanh. Nhà tôi không khá giả gì nên vốn phải xoay vòng. Giống cây thì được nhiều người tặng rồi nhân giống ra nhiều. Từ vườn cỡ 20m2, bây giờ tôi mở vườn hơn 100m2 và có nhà xưởng kiên cố.
Tôi đầu tư khoảng 70 - 80 triệu. Trồng xương rồng quan trọng nhất là đam mê vì khi trồng một cây xương rồng thành phẩm mất ít nhất là hai năm".
Câu lạc bộ Khởi nghiệp
Có nhiều câu lạc bộ khởi nghiệp trong các trường đại học nhằm khơi gợi đam mê kinh doanh nơi các sinh viên.
FIC – câu lạc bộ Khởi nghiệp của Đại học Ngân hàng TPHCM được thành lập cách nay 2 năm. FIC như môi trường giao lưu, chia sẻ và truyền cảm hứng, giúp sinh viên hình thành ý tưởng, kế hoạch cụ thể và hiện thực hóa ý tưởng.
Nguyễn Phúc Lộc, chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp FIC: "Khởi nghiệp ở độ tuổi nào không quan trọng mà quan trọng phải tìm ra đam mê và ý tưởng phải có tiềm năng phát triển trong dài hạn.
Ví dụ bạn học IT hoặc đầu bếp, chỉ cần học thêm kinh doanh một tí thôi, bạn sẽ khởi nghiệp thành công hơn. Học ngành nghề chuyên sâu thì khởi nghiệp thành công còn hơn các bạn học kinh tế".
Bà Nguyễn Thị Hà Thanh, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và ươm mầm doanh nghiệp – trường Đại học Nguyễn Tất Thành: "Trong hội nhập, là người sống tại địa phương, các bạn có lợi thế là khả năng tiếp cận thị trường và hiểu biết đặc thù của địa phương. Nếu không tự khởi nghiệp được, không tận dụng lợi thế đó thì rất đáng tiếc".