Kỹ năng thoát hiểm VOH: Thoát hiểm khi cháy chung cư

(VOH) - Những vụ cháy chung cư cao tầng xảy ra gần đây khiến không ít người nơm nớp nỗi lo “phải làm sao khi có cháy”.

Để yên tâm hơn, nhiều gia đình đã chủ động chuẩn bị các thiết bị an toàn, hỗ trợ thoát hiểm như dây thừng, thang dây ở trong nhà để đề phòng bất trắc. Các quy tắc thoát hiểm khi có cháy nổ ở chung cư cũng quan tâm nhiều hơn.

Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) và Sở Cảnh sát PCCC TPHCM phối hợp thực hiện chuyên đề hướng dẫn người dân cách thoát nạn khi phát hiện cháy tại chung cư.

Trên thực tế các đám cháy xuất hiện tại chung cư thường bắt nguồn từ đám cháy nhỏ và nếu giữ được bình tĩnh, làm theo đúng các hướng dẫn này thì người dân hoàn toàn có thể dập tắt đám cháy, đồng thời hỗ trợ những người hàng xóm thoát hiểm.

Quan trọng nhất là tránh tình trạng hoảng loạn, nhốn nháo, chen lấn gây khó khăn khi thoát nạn. 

---

Các bước thoát nạn khi có cháy:

Bước 1: Bình tĩnh quan sát hiện trường xung quanh, xác định vị trí khu vực xảy ra cháy và hướng cần chạy thoát nạn.

Bước 2: Nhanh chóng báo cháy cho những người hàng xóm biết để cùng thoát nạn hoặc chữa cháy. Đồng thời báo ngay cho lực lượng Cảnh sát PC&CC biết.

Bước 3: Nếu phát hiện đám cháy nhỏ, có thể sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ để dập tắt đám cháy.

Bước 4: Nếu không dập tắt được đám cháy, hãy nhanh chóng chạy vào lối thang bộ thoát nạn của tòa nhà để thoát nạn ra nơi an toàn.

---

Những điều cần đặc biệt chú ý:

- Tuyệt đối không sử dụng thang máy để thoát nạn.

- Dựa vào hệ bảng đèn "EXIT" để xác định lối thang bộ thoát nạn của tòa nhà.

- Phải bình tĩnh, không chen lấn trong lối thang bộ thoát nạn.

- Không nên quay lại căn hộ để lấy tài sản và đồ dùng.

- Nếu đang ở trong phòng hoặc căn hộ, khi nghe tín hiệu báo cháy nên dùng mu bàn tay sờ vào tay cầm bằng kim loại của cánh cửa để kiểm tra độ nóng nhằm xác định lửa có cháy bên ngoài hay không, sau đó mới mở cửa.

- Nếu phát hiện lửa cháy bên ngoài cửa phòng hoặc căn hộ, không nên mở cửa mà dùng vật dụng bằng vải thấm ướt nước, che các khe hở của cánh cửa để không cho khói độc vào trong và nhanh chóng thoát nạn bằng đường khác.

- Trường hợp quyết định vượt qua lửa nhớ phải dùng chăn, màng nhúng ướt nước phủ qua người.

- Khi phát hiện lối thoát nạn có nhiều khói, phải cúi thấp người để tránh hít phải khí độc. Một tay sử dụng vật dụng bằng vải để che mũi, tay còn lại sờ vào thành tường để định hướng di chuyển ra lối thoát nạn.