Làm thế nào để cải thiện chất lượng không khí tại TPHCM?

(VOH) - Ô nhiễm không khí là một trong những nguồn ô nhiễm có tác động rất lớn đến cuộc sống của người dân đô thị, đặc biệt là nơi có các hoạt động công nghiệp, xây dựng, sinh hoạt và giao thông vận tải sôi động như tại thành phố Hồ Chí Minh.

Làm thế nào để cải thiện chất lượng không khí tại TPHCM?

(VOH) - Ô nhiễm không khí là một trong những nguồn ô nhiễm có tác động rất lớn đến cuộc sống của người dân đô thị, đặc biệt là nơi có các hoạt động công nghiệp, xây dựng, sinh hoạt và giao thông vận tải sôi động như tại thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng chính vì thế, những năm gần đây, cùng với tốc độ phát triển, chất lượng không khí tại thành phố Hồ Chí Minh giảm sút rõ rệt. Qua kết quả quan trắc về chất lượng không khí trên địa bàn thành phố năm 2008 cho thấy, mức độ ô nhiễm không hề suy giảm, một số thành phần, tác nhân gây ô nhiễm có xu hướng tăng cao. Cụ thể là nồng độ bụi tăng cao và vượt chuẩn quy định đến 1,55 lần. Nguy hại nhất là những hạt bụi có kích thước rất nhỏ, còn gọi là bụi PM10, lơ lững trong không khí, loại bụi này có thể dễ dàng chui vào phổi ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Tiếp theo là chỉ tiêu tiếng ồn với 87% số liệu không đạt chuẩn. Vấn đề ô nhiễm không khí do NO2 cũng đáng báo động với kết quả là 42% giá trị không đạt, đặc biệt là tại trạm quan trắc khu vực Đinh Tiên Hoàng-Điện Biên Phủ , nồng độ NO2 chiếm tỷ lệ rất cao.

Theo đánh giá chung qua kết quả quan trắc không khí bán tự động cho thấy, tại khu vực Ngã tư An Sương, ngã tư Đinh Tiên Hoàng –Điện Biên Phủ, ngã sáu Gò Vấp luôn là nơi ô nhiễm nhất.Nói về kết quả này, kỹ sư Nguyễn Thanh Huy, phó trưởng phòng quan trắc và đánh giá chất lượng môi trường –Chị cục bảo vệ môi trường thành phố cho biết:

Trước thực trạng trên, làm thế nào để cải thiện mức độ ô nhiễm và nâng cao năng lực quản lý chất lượng không khí tại thành phố Hồ Chí Minh đã được nêu ra thu hút nhiều nhà khoa học quan tâm. Theo phó giáo sư –tiến sĩ Nguyễn Đinh Tuấn-hiệu trưởng trường Cao Đẳng Tài Nguyên và Môi Trường TP, thời gian quan, công tác quản lý chất lượng không khí có quá nhiều bất cập dẫn đến vấn đề ô nhiễm phát sinh, cụ thể là nhận thức của cộng đồng chưa thật sâu sắc và đầy đủ đối với việc bảo vệ môi trường không khí, việc kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm chưa được chú trọng, xử lý cũng chưa nghiêm. Có thể kể đến như là nguồn phát thải từ giao thông vận tải và công nghiệp là hai nguồn phát thải gây ô nhiễm nặng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Theo thống kê chưa đầy đủ, thì tại thành phố Hồ Chí Minh có ít nhất khoảng 3 triệu xe gắn máy và 300.000 xe ô tô các loại cùng 30.000 cơ sở sản xuất phát sinh nguồn thải ra không khí. Trong khi đó, 100% lượng phương tiện tham gia giao thông này và 80% cơ sở sản xuất lại chưa được kiểm soát nguồn thải.

Một trong những tồn tại nữa chính là thành phố chưa có một chương trình hành động thống nhất cụ thể trong cuộc chiến chống lại ô nhiễm không khí. Như vậy, theo đề xuất của phó giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Đinh Tuấn : để cải thiện chất lượng không khí tại thành phố Hồ Chí Minh thì cần giám sát chặt chẽ các hoạt động liên quan đến công nghiệp và giao thông, nhất là phải giám sát chất lượng nguồn thải.

Theo kinh nghiệm quản lý chất lượng không khí đô thị ở các nước Châu Á cho thấy, để giảm thiểu nguồn khí thải từ xe cộ, ngành chức năng địa phương đã nâng cao chất lượng dầu Diesel, nâng cao chất lượng xăng, đặt biệt là xăng không pha chì, phát triển xe chạy bằng điện, khí hóa lỏng, nghiên cứu cải tiến động cơ ô tô tiết kiệm nhiên liệu. Đối với nguồn khí thải từ các hoạt động công nghiệp và xây dựng, điều đầu tiên là di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra ngoại thành, áp dụng công nghệ xử lý khí thải hiện đại và công nghệ sản xuất sạch. Tăng cường vệ sinh môi trường, mặt đường và vỉa hè, đặc biệt là nơi có các hoạt động xây dựng phát sinh bụi để bảo đảm không khí trong lành. Trong công tác tuyên truyền, tiến hành thiết lập các bảng điện tử hiện thị chất lượng không khí tại nơi có đông người qua lại. Từ kinh nghiệm đó, theo giáo sư tiến sĩ khoa học Phạm Ngọc Đăng –chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh rất dễ áp dụng những kinh nghiệm này vào thực tiễn để cải thiện chất lượng không khí hiện nay, trong đó mấu chốt cơ bản vẫn là vấn đề về phương tiện giao thông.

Mỹ Trang

Bình luận