Máy vi tính nhiễm virus khiến Việt Nam thiệt hại hơn 20.000 tỉ đồng năm 2019

(VOH) - Năm 2019, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam đã lên tới 20.892 tỷ đồng (902 triệu USD), vượt xa con số 14.900 tỷ đồng của năm 2018. 

Tổng số lượt máy tính bị nhiễm mã độc được ghi nhận trong năm 2019 lên tới 85,2 triệu lượt, tăng 3,5% so với năm 2018.

 virus máy tính,  an ninh mạng

Ảnh minh họa

Phân tích về những nguyên nhân dẫn tới số lượng máy tính bị nhiễm virus ở mức cao, các chuyên gia Bkav cho biết đầu tiên là việc tải và cài đặt các phần mềm không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên mạng. Trung bình, cứ 10 máy tính cài các phần mềm tải về từ Internet thì có tới 8 máy tính sẽ bị nhiễm viurs.

Để đảm bảo an toàn, người sử dụng chỉ nên tải các phần mềm có nguồn gốc rõ ràng, từ nhà sản xuất tin tưởng và từ các kho ứng dụng chính thống, không tải từ những nguồn trôi nổi trên mạng.

Theo thống kê của Bkav, vẫn tồn tại tới 41,04% máy tính tại Việt Nam có chứa lỗ hổng SMB, từng bị virus Wanna Cry khai thác để lây nhiễm hơn 300.000 máy tính chỉ trong vài giờ. Đây vẫn là những nguy cơ rất lớn về mất an ninh thông tin tại Việt Nam.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Phó chủ tịch phụ trách mảng Chống mã độc (Anti Malware) của Bkav cho biết: “W32.Fileless ẩn nấp trong các thông số cấu hình hệ thống như Registry, WMI hay Task Schedule. Chúng phá hoại bằng cách lợi dụng các tiến trình chuẩn của hệ thống để chạy các đoạn mã thực thi (script) đặc biệt. Mã độc này phát tán thông qua USB hay qua khai thác lỗ hổng hệ điều hành”.

Do khả năng ẩn giấu gần như trong suốt với người dùng, mã độc này sẽ nằm vùng, đánh cắp thông tin, mở cổng hậu để tin tặc có thể chiếm quyền điều khiển máy tính từ xa. Bkav cũng ghi nhận một số dòng W32.Fileless có tải về thêm các mã độc khác để lợi dụng tài nguyên máy tính đào tiền ảo.

Chuyên gia Bkav khuyến cáo, người sử dụng cần nâng cấp phiên bản mới nhất của phần mềm diệt virus để có thể tìm và diệt được loại virus tàng hình này.