Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói gì về TikTok?
Các quyết định trên được đưa ra ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Fox News vào tối 6/7, khi được hỏi liệu Mỹ có hành động sau khi Ấn Độ cấm TikTok và 58 ứng dụng khác của Trung Quốc hay không, cho biết Mỹ cũng đang xem xét việc chống lại các ứng dụng truyền thông xã hội Trung Quốc vì lo ngại về vấn đề riêng tư và rủi ro tiềm ẩn ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
"Người dùng TikTok nên biết là Chính phủ Mỹ đang xem xét loại bỏ ứng dụng này một cách rất nghiêm túc" - Ngoại trưởng Mỹ mới đây nhấn mạnh - "Chúng tôi đặt TikTok trong một bối cảnh rộng lớn hơn. Chúng tôi cần phải làm vậy để bảo vệ quyền riêng tư, bảo vệ thông tin của người dân và bảo vệ an ninh quốc gia của nước Mỹ".
Ảnh minh họa. Nguồn: CNBC
Gỡ bỏ TikTok trên điện thoại thông minh
Ngay say đó, vào ngày 10/7, tờ The New York Times đưa tin công ty Amazon đã gửi một email đến toàn bộ nhân viên và yêu cầu họ dỡ bỏ ứng dụng chia sẻ video đang hot trên mạng xã hội TikTok khỏi thiết bị di động, vì lý do nguy cơ an ninh.
Sau Amazon, đến lượt ngân hàng Wells Fargo ra thông báo yêu cầu tất cả nhân viên đã cài đặt ứng dụng này gỡ bỏ lập tức, thông tin này được trang The Information đăng tải.
Người phát ngôn của Wells Fargo cho biết trên trang The Verge: “Do lo ngại về các hoạt động và kiểm soát bảo mật và quyền riêng tư của TikTok, và vì các thiết bị thuộc sở hữu của công ty chỉ được sử dụng cho công việc của công ty, chúng tôi đã chỉ đạo các nhân viên đó gỡ ứng dụng khỏi thiết bị của họ.”
Dù vậy, Amazon vào cuối ngày thứ Sáu lại cho đăng tải thông báo rằng email yêu cầu xóa ứng dụng TikTok trước đó là một “sơ suất”, và làm rõ lại rằng không có sự điều chỉnh nào trong các chính sách của công ty đối với TikTok.
TikTok, ứng dụng sở hữu bởi công ty Trung Quốc ByteDance, bị phát hiện truy cập dữ liệu clipboard của người dùng khi chạy ẩn trong nền hệ điều hành, có khả năng lộ mật khẩu hoặc dữ liệu nhạy cảm khác. Hành vi này đã lộ vì một tính năng mới trong phiên bản iOS 14 và không rõ nó đã xuất hiện trong ứng dụng bao lâu.
Công ty phát triển TikTok sau đó cho biết đã gỡ bỏ tính năng này, nhưng vấn đề này đã góp thêm vào mối lo ngại từ lâu về vấn đề quyền riêng tư đối với phần mềm của công ty Trung Quốc này.
Một số cơ quan quân sự tại Mỹ đã ban hành lệnh cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị thuộc sở hữu của chính phủ.
Trước đó, chính phủ Ấn Độ ban lệnh cấm đối với TikTok vì những xung đột gần đây với Trung Quốc ở biên giới. Ấn Độ - quốc gia có dân số đông thứ nhì thế giới với 1,3 tỷ dân, là thị trường lớn nhất hiện nay của TikTok.
TikTok rút khỏi thị trường Hong Kong
Hồi đầu tuần này, TikTok quyết định “sẽ rời khỏi thi trường Hong Kong ngay trong vòng vài ngày tới vì những sự kiện gần đây” của công ty chủ quản TikTok - một trong những ứng dụng có mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong thời gian qua.
TikTok là ứng dụng tạo, đăng tải, chia sẻ và tương tác video dạng ngắn đến từ ByteDance - công ty công nghệ có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tuy nhiên TikTok được định hướng phát triển dành cho người dùng nằm ngoài Trung Quốc đại lục. Tại Trung Quốc, công ty này cũng điều hành một ứng dụng tương tự có tên gọi là Douyin.
Ngày nay, app là nền tảng video ngắn hàng đầu và là ứng dụng phát triển nhanh nhất thế giới, với cộng đồng video âm nhạc lớn nhất trên toàn cầu. Tính đến tháng 10/2019, TikTok báo cáo có đến 800 triệu người dùng hoạt động hàng tháng và con số này đã tăng gấp nhiều lần trong những tháng đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát và nhu cầu giải trí của giới trẻ tăng cao do việc thực thi các lệnh giãn cách xã hội, yêu cầu người dân ở nhà của chính phủ nhiều nước.