Mứt tết: bẩn từ nhà…ra chợ!

(VOH) - Chỉ còn hơn tháng nữa là đến tết Canh Dần, thị trường bánh, mứt tại TPHCM đang bước vào những ngày sôi động. Bên cạnh những cơ sở sản xuất quan tâm đến chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì lại có không ít các cơ sở sản xuất, nhất là các cơ sở sản xuất thủ công nhỏ, lẻ tỏ ra coi thường sức khỏe người tiêu dùng. Ghi nhận của chúng tôi sau những ngày tiếp cận các cơ sở sản xuất mứt tết ở cả nội, ngoại thành đã chứng minh, những lo lắng của người tiêu dùng trước mùa tết là có cơ sở.

Ngày 5/1, chúng tôi trở lại cơ sở sản xuất mứt tết Như Ý ở số 1768/10 tỉnh lộ 10, P. Tân Tạo, quận Bình Tân sau hơn 1 tuần lễ bị thanh tra Sở Y tế TP đình chỉ sản xuất. Cơ sở là những căn nhà lụp xụp, ẩm thấp nằm khuất sâu trong con hẻm nhỏ ngoằn nghoèo đầy bụi. Sau khi kết thúc thanh tra, cơ sở đã không còn hoạt động lộ thiên nữa mà đi vào sản xuất bí mật. Xung quanh khu vực sản xuất được che chắn kín mít bởi những tấm bạt, cổng vào cũng khép hờ. Thỉnh thoảng, một vài người lảng vảng trước cổng cảnh giác người lạ. Nhìn từ bên ngoài vào, cả khu lặng im, nếu không biết trước có khó thể đoán được nơi đây được là một trong những vựa mứt lớn tại quận Bình Tân. Sản phẩm mứt của cơ sở này có mặt tại các chợ lớn của TP như: Kim Biên, Bình Tây, Tân Bình, Phạm Văn Hai...và đóng gói chuyển về các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ. Một người hàng xóm cho biết:

Theo lời chỉ của bác xe ôm, chúng tôi tìm đến khu làm mứt tết cư xá Đường Sắt phường 1 quận 3 xem bà con tưng bừng chuẩn bị tết ra sao. Đường dẫn vào chung cư là những con hẻm nhỏ, rộng chưa đến 1m nhưng lại nổi danh là lò sản xuất mứt tết cho TP và một số tỉnh lân cận. Mới đến đầu hẻm, mùi thơm sên mứt đặc quánh cả không gian, nhưng khi cận cảnh quy trình làm mứt thì thật đáng ngại. Đa số phụ nữ, trẻ nhỏ làm nhiệm vụ sơ chế như: bóc tách vỏ me, gỡ bỏ hột mãng cầu…Ba người ngồi vây quanh chiếc bàn đen ngòm tay trần bổ dọc bụng me lấy hạt, nắm cả chùm me xăm xăm rồi thả vào thau nước. Từng thau ngâm me chất cạnh ống cống đen ngòm, ứ đọng nước, xung quanh toàn vỏ me và rác rưởi…Ngồi quay lưng lại là một thanh niên cởi trần, mồ hôi nhễ nhại bên 4,5 nồi đầy me, đu đủ, mãng cầu bày la liệt. Nồi đang trên bếp sôi sùng sục, nhiều chảo, nồi đang làm mứt để hẳn ra ngoài đường, mặc cho xe cộ qua lại, bám đầy bụi đất. Ấy thế mà khu vực chế biến mứt lại chỉ gói gọn chưa đến 4m2 . Dưới cái nắng chang chang, mấy thau nước ngâm mứt sùi bọt trắng xóa. Vòng vèo mấy con hẻm, chỉ lác đác vài nơi làm mứt. Qua tìm hiểu, người dân cho biết do có thông tin thanh tra mứt tết, nên các hộ ngán ngại, không bày ra trước nhà làm như trước nữa. Vậy là, bên trong những cánh cửa đóng im ỉm, quy trình làm mứt tết vẫn hết sức sôi động và hoàn toàn bí mật.

Trong vai người buôn bán từ miền Tây lên lấy sỉ các loại mứt tết đem về quê phân phối lại cho các cơ sở nhỏ lẻ, chúng tôi được dẫn vào con hẻm sâu hun hút để gặp bà chủ cơ sở sản xuất lớn nhất tại đây. Trước cửa nhà là những thùng phuy ngâm me, cà na…không che đậy, trong nhà mấy chị tay trần không bao tay, không khẩu trang gói mứt vào giấy kiếng. Bà chủ khoe lò mứt của bà chuyên cung cấp sỉ cho chợ An Đông và chợ Lớn. Bà cam đoan, chúng tôi cần bao nhiêu hàng thì bà cũng đáp ứng đủ. Bởi lẽ, mỗi năm mới có một mùa làm ăn, cần nhất là kiếm lời:

Tại một số lò mứt ở đây, các loại mứt thành phẩm như mứt me, mãng cầu, đu đủ…chỉ có giá từ 45.000 - 50.000 đồng/kg. Trong khi đó mứt bày bán ở siêu thị có giá từ 100.000 - 120.000đ/kg. Tỏ vẻ ngạc nhiên trước giá rẻ, bà chủ bật mí: “nguyên liệu làm mứt không dùng mãng cầu chín mà là mãng cầu sống, luộc lên rồi dùng chất tẩy nếu không mãng cầu sống sẽ bị đen, sau đó giã nát như bột rồi bỏ vào chất làm chua”. Bà chủ đưa một viên mứt cho chúng tôi xem, mở lớp giấy kiếng đẹp mắt, bên trong miếng mứt bở, nhão nhoét…

Cận cảnh một số vựa cung ứng mứt tết cho TP và các tỉnh miền Tây là như vậy. Nhưng khi ra đến thị trường, mứt bẩn lại càng bẩn hơn khi được bày bán tràn lan và thật là mất vệ sinh. Tại chợ Phú Lâm, quận Bình Tân, các gian hàng bánh mứt, lạp xưởng được bày trí đẹp mắt nằm lẫn giữa các gian hàng thịt cá tươi sống. Hỏi mấy tiểu thương lấy nguồn hàng từ đâu, chỉ nhận được câu trả lời mơ hồ, nguồn từ Chợ Lớn và một cơ sở trong khu vực lân cận. Bà Tí, một chủ sạp trấn an chúng tôi “ngày nào cũng ăn mứt mà có…. chết đâu”.

Rõ ràng Chủ cơ sở chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà quên đi sức khỏe người tiêu dùng, còn người bán thì không quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ, vậy trách nhiệm thuộc về ai? Ông Lê Trường Giang - phó giám đốc Sở y tế, phó ban thường trực ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm TP cho biết:

Ông Huỳnh Lê Thái Hoà, Trưởng phòng Quản lí vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế TP cho hay, từ giữa tháng 12/09 đến giữa tháng 2/2010, đoàn thanh tra liên ngành ra quân kiểm tra các cơ sở sản xuất các mặt hàng tết. Đối với các cơ sở phát hiện vi phạm, một mặt đình chỉ sản xuất, một mặt cho thời gian khắc phục vi phạm đến khi hội đủ tiêu chuẩn thì cho sản xuất xuất trở lại. Nhưng một số cơ sở cố tình lén lút sản xuất thì sẽ bị xử phạt nặng: đề xuất rút giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm

Khi cơ hội làm ăn mỗi năm chỉ có một lần thì những cơ sở sản xuất mứt và các loại thực phẩm chế biến kém vệ sinh vẫn thản nhiên tăng tốc cho mùa tết là điều dễ hiểu. Tuy nhiên như đã nói ở trên, không phải cơ sở sản xuất nào cũng tuân thủ nghiêm túc qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, bên cạnh hoạt động thanh kiểm tra của các ngành chức năng, người tiêu dùng cần tỉnh táo lựa chọn những mặt hàng có nhãn hiệu uy tín lâu năm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng và được bày bán ở nơi đủ điều kiện vệ sinh thực phẩm để tự bảo vệ lấy sức khoẻ của mình.

Thuỳ Linh - Thuỳ Trang

Bình luận