Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Nên cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử (Vape) !

(VOH) - Thời gian gần đây, giới trẻ TPHCM xuất hiện trào lưu hút Vape hay thuốc lá điện tử. Nhưng liệu Vape có an toàn hơn thuốc lá?

Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) phỏng vấn Bác sĩ Trịnh Văn Hiệp - Ban chủ nhiệm Chương trình Phòng chống Tác hại thuốc lá Sở Y tế TPHCM chung quanh vấn đề vape.

* VOH: Ông cho biết loại dụng cụ dùng để “hút” Vape có cấu tạo thế nào?

- Bác sĩ Trịnh Văn Hiệp: Vape là thuốc lá điện tử có từ năm 2014. Trong thời gian gần đây Vape du nhập từ nước ngoài vào TPHCM. Thuốc lá điện tử có hai phần:

Phần đầu gồm đầu lọc có chứa Nicotine (chất gây nghiện) và tinh dầu hỗn hợp là chất tạo mùi thơm. Phần thân là một thiết bị điện tử khi kích hoạt sẽ phun hỗn hợp hơi để đi qua đầu lọc hòa tan Nicotine và chất tạo mùi thơm. Khi người hút rít, hơi nicotine và mùi thơm sẽ vào miệng và hệ hô hấp như khói thuốc lá.

Dụng cụ hút vape (Ảnh: http://vaping360.com)

* VOH: Việc sử dụng thuốc lá điện tử gây nguy hại cho người dùng như thế nào?

- Bác sĩ Trịnh Văn Hiệp: Chất Nicotin trong thuốc lá điện tử không hề nguyên chất mà bị nhiễm nhiều tạp chất có hại cho sức khỏe.

Nicotine không hòa tan trong nước nên hỗn hợp hơi trong Vape để hút có khói phải là dung môi hữu cơ và được xác định là propylene glycol hoặc dietylen glycol là các chất độc hại cho sức khỏe, thậm chí có thể gây ung thư.

Thuốc lá điện tử mua bán trôi nổi rất nguy hiểm vì không rõ nguồn gốc, có nguy cơ chứa các chất độc hại cho sức khỏe người sử dụng.

Để tăng sự hấp dẫn người bán còn trộn tinh dầu với hàng chục loại tinh dầu hóa chất độc hại, có thể trộn cả các chất gây nghiện nguy hiểm mà người hút không biết. Ngoài ra do cấu tạo mạch điện tử và pin để kích hoạt, tạo khói nên có một số trường hợp bị nổ gây phỏng vùng mặt để lại di chứng nặng.

Hơn nữa, quảng cáo thuốc lá điện tử thường là tiếp thị “có cánh” quyến rũ người chưa từng hút tò mò hút thử và dễ dàng trở thành nô lệ của khói thuốc. Mặc dù không gây nghiện như ma túy, nhưng người nghiện thuốc lá điện tử sẽ bị lệ thuộc về mặt tâm lý, tức nghiện tâm lý nhận thức và tạo thành thói quen khó bỏ - tức nghiện về hành vi và phải tăng “đô” theo thời gian.

Thông thường khi đã quen hút shisha, thuốc lá điện tử, dễ dẫn đến việc thử các chất gây nghiện khác như bồ đà, thuốc lắc, “ hàng đá” kể cả có thể dẫn đến thử heroin…

* VOH: Thưa bác sĩ, vậy người dùng có nên sử dụng Vape để thay thế thuốc lá truyền thống?

- Bác sĩ Trịnh Văn Hiệp: Mục đích ban đầu của hút Vape là giúp người nghiện cai thuốc lá. Người nghiện thuốc lá cai thuốc bằng cách hút thuốc lá điện tử trong thời gian ngắn, rồi giảm dần tần số và liều lượng, tiến tới bỏ hút thuốc lá hoàn toàn.

Nhưng thực tế cho thấy, thuốc lá điện tử không giúp cai nghiện được thuốc lá mà ngược lại làm người hút lệ thuộc vào nó và nghiện từ lúc nào không hay. Để cai thuốc lá phải hiểu biết (hiểu rõ về tác hại, lợi ích của cai, tác hại khi cai).

Người nghiện phải có sự quyết tâm cao thật sự muốn bỏ thuốc lá và được sự hỗ trợ của chuyên viên tư vấn cai thuốc, sự hỗ trợ của gia đình, người thân đồng nghiệp, bạn bè…

* VOH: Bác sĩ cho lời khuyên với những người đang sử dụng Vape?

- Bác sĩ Trịnh Văn Hiệp: Cơ quan kiểm soát dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ đã cảnh báo về sự thiếu thử nghiệm lâm sàng khoa học chứng thực độ an toàn của thuốc lá điện tử. Một số nước như: Úc, Canada, Brazil… nhận thấy thuốc lá điện tử có hại nhiều hơn có lợi nên đã cấm sử dụng.

Cùng với những tác hại như đã trình bày thì tốt nhất là không thử, không sử dụng thuốc lá điện tử bất kỳ dưới dạng nào. Tại Việt Nam thuốc lá điện tử chưa được cấp phép kinh doanh, chủ yếu là hàng xách tay, nhập lậu.

Tôi đề nghị Nhà nước nên chính thức cấm lưu hành sản phẩm này.

* VOH: Cảm ơn ông!

Bình luận