Nếu Bộ GD và ĐT đứng ra biên soạn SGK thì các tổ chức, cá nhân rất khó cạnh tranh công bằng. (ảnh minh họa: GDVN) |
* Thưa ông, vừa qua Bộ GD và ĐT có trình Ủy Ban Thường vụ Quốc hội về Đề án “Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông”. Và con số để thực hiện đề án này là hơn 800 tỷ đồng. Cũng cách đây vài tháng, Bộ GD và ĐT cũng trình đề án này và số tiền thực hiện là hơn 30.000 tỷ đồng. Nhìn về 2 con số chênh lệch quá cao của đề án này, ông có ý kiến gì?
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh -Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. (ảnh: GDVN) |
Ông Nguyễn Minh Thuyết: Theo tôi đây là do cách làm chưa rõ của Bộ. Thực ra nội dung chi của mỗi một lần trình là khác nhau. Lần này, Bộ GD và ĐT trình, nội dung chi sát với những công việc làm chương trình SGK, tập huấn cán bộ. Nhưng Bộ trưởng Phạm Vũ Luận còn chốt thêm, đây chưa phải là con số cuối cùng mà có thể còn phát sinh.
Cách đây 6 tháng, cũng tại một phiên họp của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, Bộ GD và ĐT cũng trình ra dự án làm chương trình SGK mới với đề xuất là 34.000 tỷ đồng, nhưng trong 34.000 tỷ đồng này chủ yếu là tiền sản xuất trang thiết bị dạy học chiếm 30.000 tỷ đồng. Và cách đây 3 năm thì Bộ GD và ĐT cũng chuẩn bị một đề án chi 70.000 tỷ đồng cho chương trình làm SGK mới. Ba lần đều có 3 số tiền khác nhau, vậy theo tôi đây phải là 3 dự án khác nhau chứ không nên ghép việc xây dựng cơ sở vật chất trường học, trang thiết bị vào đề án chương trình SGK.
* Cũng từ những con số mà Bộ GD và ĐT đưa ra xoay quanh đề án “Đổi mới chương trình, SGK” quan điểm của ông như thế nào?
Ông Nguyễn Minh Thuyết: Về tổng thể đề án này, thực ra 800 tỷ đồng không lớn, nhưng vấn đề chúng ta làm như thế nào để có chất lượng và làm thế nào để tiết kiệm hơn.
Để tiết kiệm theo tôi không nên đặt ra vấn đề lấy tiền ngân sách để làm SGK mà bây giờ các tổ chức, cá nhân kể cả Bộ GD và ĐT sẽ được Nhà nước cho vay vốn (nếu cần) để làm SGK mới. Tôi nghĩ làm như thế Nhà nước rất ít tốn kém. Thứ 2, mình không nên tiếp cận vấn đề theo kiểu “bỏ hết tất cả” SGK hiện hành một lúc và làm luôn một lúc tất cả SGK mới. Theo tôi việc làm này không ổn, bởi vì SGK hiện hành phần lớn còn sử dụng được. Điều quan trọng là giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy học làm sao những nội dung dạy đến với học sinh để học sinh phải tự tiếp nhận thông qua việc học tập tích cực của học sinh.
Thêm nữa, vấn đề chất lượng, theo tôi nếu bây giờ thay đổi ngay lập tức tất cả các SGK thì đây là chuyện rất khó vì không đủ thời gian, vật chất để có thể có những bộ SGK tốt. Bởi vì hiện nay Bộ GD và ĐT muốn mỗi một môn học có một ông “Tổng chủ biên” suốt từ lớp 1 đến lớp 12. Không có ông “Tổng chủ biên” nào giỏi để trong 1 năm ngồi làm hay duyệt được sách của tất cả 12 lớp hoặc 6 lớp. Theo tôi như thế rất khó để có được 1 bộ SGK có chất lượng.
* Thưa ông, trong đề án “Đổi mới chương trình, SGK” của Bộ GD và ĐT có đưa ra 2 phương án: Một là, Bộ GD và ĐT tiếp tục sẽ xây dựng bộ SGK và hai là cho các tổ chức, cá nhân được thực hiện biên soạn SGK. Ý kiến của ông như thế nào xoay quanh phương án này?
Ông Nguyễn Minh Thuyết: Chính phủ đã thống nhất phương án là Bộ GD và ĐT trực tiếp biên soạn 1 bộ SGK làm chuẩn; đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK, nhưng kết quả này còn phải chờ họp để Quốc hội quyết định.
Theo ý kiến cá nhân của tôi, việc Bộ GD và ĐT trực tiếp biên soạn SGK là việc không phù hợp với chức năng quản lý Nhà nước. Bộ là cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương, việc của Bộ là xây dựng chiến lược phát triển, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật rồi thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm chứ Bộ không nên làm những việc cụ thể như thế được. Ví dụ: Bộ Công thương không thể làm việc tự sản xuất máy cày, máy kéo hay Bộ Y tế tự đứng ra mở phòng khám về bệnh sởi. Tôi nghĩ các Bộ không thể làm những việc như vậy. Vậy tại sao Bộ GD và ĐT trực tiếp biên soạn SGK, theo tôi là không cần thiết.
Hiện nay Bộ GD và ĐT có những đơn vị trực thuộc như Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chuyên làm SGK, vậy Bộ GD và ĐT nên giao cho đơn vị này đứng ra biên soạn SGK thì sẽ đảm bảo kịp tiến độ và có 1 bộ SGK dự phòng khi mà SGK của các tổ chức, cá nhân viết không đảm bảo yêu cầu.
Thứ 2, nếu Bộ GD và ĐT đứng ra biên soạn SGK thì các tổ chức, cá nhân rất khó cạnh tranh công bằng. Và điểm thứ 3, chính Bộ GD và ĐT là cơ quan đứng ra tổ chức thi tốt nghiệp kỳ thi quốc gia. Do vậy chẳng có cơ sở giáo dục nào lại không muốn lấy bộ SGK của Bộ GD và ĐT để an toàn. Nếu cách làm như vậy thì sự cạnh tranh sẽ không công bằng và như vậy sẽ khó có thể có 1 bộ SGK có chất lượng.
* Xin cảm ơn ông.