Ngân sách nhà nước dành cho đầu tư KH-CN: Mức khởi điểm từ 3% là hợp lý

(VOH) - Chiều 23/4, tại TPHCM, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam tổ chức lấy ý kiến doanh nghiệp đối với dự thảo Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi).

Theo ý kiến của các đại biểu tham dự, việc ban hành Luật Khoa học công nghệ năm 2000 (gồm 11 chương và 83 điều) bước đầu hệ thống hóa quy định của pháp luật về khoa học công nghệ, tạo cơ sở để xây dựng pháp luật hiện hành về khoa học công nghệ thành một chỉnh thể. Tuy nhiên do tốc độ phát triển kinh tế hiện nay, luật khoa học công nghệ hiện hành bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp với thực tế, do đó cần phải điều chỉnh lại.

Các ý kiến đóng góp cho luật lần này đa số tập trung vào cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết với các tổ chức khoa học công nghệ. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học, chuyển giao công nghệ, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ để đổi mới, nâng cao trình độ, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.

Một điểm mới của dự thảo được các doanh nghiệp ghi nhận là các chính sách hỗ trợ được tăng cường để tổ chức, cá nhân tham gia vào nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Tuy nhiên, mức tăng cường vẫn còn khá “khiêm tốn”. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Liêm, hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định cho rằng “khoa học công nghệ được xem là quốc sách hàng đầu, trong khi ngân sách nhà nước dành cho đầu tư khoa học công nghệ chỉ từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm, theo ông thì nên lấy mức khởi điểm từ 3% trở lên là hợp lý. Ngoài ra để khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ nên quy định mức chia lợi nhuận cho tác giả góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học tối thiểu từ 40% trở lên (thay vì 30% như dự thảo).

Liên quan đến vấn đề chính sách, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Liêm cho biết thêm: “Các ưu đãi về thuế tín dụng cho hoạt động khoa học công nghệ, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế trị giá gia tăng…theo tôi là cần thiết, hiện nay thông tin về nghiên cứu khoa học trong nước và trên thế giới vẫn còn mù mờ cho nên doanh nghiệp chưa có những thông tin để định hướng đầu tư cho đúng... Tôi nghĩ vai trò của bộ khoa học và công nghệ là rất lớn kể cả trong nước và thế giới”.

Theo bà Trần Thị Mỹ Hoa, hiệp hội cao su VN, luật nên bổ sung thêm các điều khoản về nghiên cứu khoa học về kinh tế, diễn biến thị trường để doanh nghiệp nắm bắt thông tin nhằm tạo ra các sản phẩm mang hàm lượng chất xám công nghệ cao. Bà Trần Thị Mỹ Hoa cho rằng:

“Chính thiếu vắng sự nghiên cứu về thị trường, diễn biến…nhiều khi chúng ta khuyến khích phát triển nhưng chúng ta lại không biết là đang dư thừa ở đâu, vì vậy cần bổ sung thêm vấn đề này cho luật”.

Liên quan đến lĩnh vực sử dụng nhân lực, trọng dụng nhân tài trong khoa học, các chức danh khoa học. Theo dự thảo, sẽ được miễn thuế thu nhập từ hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm được giảm 50% thuế thu nhập cá nhân….về điểm này, luật sư Trương Hoàng Đạt, công ty luật hợp danh Nam Trí Việt cho rằng, “có những trường hợp có chức danh khoa học và công nghệ làm việc cho doanh nghiệp công nghệ theo hình thức hợp đồng lao động thì cũng nên miễn giảm thuế thu nhập 50% để tạo sự công bằng”, bởi vì những doanh nghiệp bình thường cũng cần những người có chức danh khoa học công nghệ để về tư vấn, quản lý, hỗ trợ… thì việc thu nhập từ hợp đồng được coi là khoản cũng được miễn thuế. Về việc quy định thời gian triển khai thực hiện luật, luật sư Trương Hoàng Đạt, đề nghị:

“Luật đã ban hành, nhưng trong thời gian dài, việc hướng dẫn thi hành luật này không mang tính đồng bộ, do đó cần quy định trong thời gian 6 tháng phải triển khai đồng bộ”.

Cũng có ý kiến cho rằng, từ khi ban hành luật đến nay, luật khoa học và công nghệ, thể hiện vai trò rất mờ nhạt, chưa thật sự thâm nhập vào cuộc sống và rất “riêng biệt” so với các luật khác, giải thích vì sao, luật sư Nguyễn Văn Bình, trưởng văn phòng luật Thành Trung nói: “Yếu tố xây dựng luật rất ít, nhưng đưa vào luật là hàng loạt các chính sách, ở luật này có quá nhiều chính sách, ít yếu tố về luật”.

Ông Lê Bộ Lĩnh, chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ môi trường Quốc Hội, cho biết sẽ tập hợp các ý kiến đóng góp, trình Quốc Hội xem xét để sửa đổi sao cho phù hợp với thực tế, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động công nghệ phát triển mang lại hiệu quả cao.