Ngày 13/11 - mảnh vỡ từ chương trình Apollo "quay về" Trái đất

(VOH) - Một mảnh vỡ vũ trụ được đặt tên “WT1190F” đang lao về phía hành tinh của chúng ta và rất may, theo tính toán của các nhà khoa học, vật thể này sẽ ‘hạ cánh’ xuống Ấn Độ Dương, ở khu vực cách bờ biển Sri Lanka khoảng 100km.

Ảnh minh họa - Nguồn: ESA.

Thời gian chính xác của cuộc ‘đổ bộ’ không mong muốn này được dự đoán vào khoảng 6g20 giờ GMT (tức khoảng 2g20 sáng ngày 13/11 tính theo giờ Việt Nam).

Các chuyên gia cho rằng khả năng gây thiệt hại cho con người của  WT1190F là rất thấp. Nhà nghiên cứu Tim Flohrer làm việc tại Văn phòng quản lý rác Không gian thuộc Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) ước tính kích thước của mẫu rác này vào khoảng 1-1,5 mét, vì thế nó sẽ bị đốt cháy do ma sát với bầu khí quyển trước khi có thể chạm đến bề mặt Trái Đất. Tuy nhiên, cũng không thể loại bỏ hoàn toàn những trường hợp xấu khác.

Một chiến dịch quan sát quá trình "trở về" của WT1190F đã được khởi động nhằm nghiên cứu quá trình lao vào bầu khí quyển của các vật thể không gian, qua đó cung cấp dữ kiện cho các phương án phòng tránh thảm họa sau này.

Ảnh chụp WT1190F bởi kính thiên văn của Đại học Hawaii - Ảnh: Nature.

WT1190F được phát hiện từ năm 2013 bởi một chương trình nghiên cứu các tiểu hành tinh và sao chổi có quỹ đạo gần Trái đất, do Đại học Arizona, Tucson tài trợ. Vật thể này được cho là mảnh vỡ của một tên lửa đẩy Saturn thuộc chương trình Apollo. Đây là chuỗi sứ mệnh do Hoa Kỳ thực hiện trong thập niên 60 của thế kỷ trước, với nhiệm vụ đưa các phi hành gia đến Mặt trăng và trở về Trái đất an toàn. Điểm nhấn là phi hành gia Neil Armstrong đặt những bước chân đầu tiên lên Mặt trăng bằng chuyến bay Apollo thứ 11 ngày 20/7/1969.