Nhiều quận, huyện mạnh dạn mở rộng chăm sóc trẻ 6-18 tháng tuổi

(VOH) - Qua một năm thực hiện thí điểm chăm sóc và nuôi dạy trẻ từ 6-18 tháng tuổi trên địa bàn thành phố đã đạt được những kết quả tích cực.

Theo lộ trình của đề án, năm học 2015-2016 có thêm 4 quận là quận 9, 11, Gò Vấp và Tân Bình tham gia đề án thí điểm, tám quận huyện đã thực hiện từ năm 2014 cũng mở rộng quy mô, nâng tổng số nhóm lớp nhận trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi lên 47 nhóm với hơn 400 trẻ theo học.

Cô giáo trường mầm non Hoa phượng đỏ (quận Gò Vấp) chăm sóc trẻ 6-18 tháng. Ảnh: HQO

Chưa đáp ứng đủ nhu cầu

Mặc dù không thuộc 8 quận, huyện thí điểm ban đầu nhưng trong năm học 2014 – 2015, quận Gò Vấp đã tổ chức thực hiện ở trường mầm non Hoa Phượng Đỏ và mầm non Anh Đào để chuẩn bị cho năm học 2015-2016. Trong năm học này, quận Gò Vấp tiếp tục duy trì sĩ số và thực hiện thêm ở hai trường trường mầm non Tường Vi và mầm non Hồng Nhung.

Tại quận 9, trường mầm non Trường Thạnh cũng được đầu tư xây mới để nuôi giữ trẻ 6 - 18 tháng tuổi.

Còn tại quận 11, năm học 2015 - 2016, quận chọn 3 trường là mầm non 13, mầm non 16, mầm non 10 tổ chức thực hiện.

Tương tự, mặc dù là năm đầu tiên thực hiện thí điểm nhưng quận Tân Bình chọn thực hiện tại 3 trường mầm non gồm trường mầm non quận, mầm non 11 và mầm non 9 nhận trẻ là con công nhân, công chức viên chức và giáo viên. Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng GD-ĐT Quận Tân Bình cho hay: Quận đã quan tâm, đầu tư kinh phí cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết phù hợp với lứa tuổi này cũng như đào tạo đội ngũ giáo viên.

"Theo lộ trình, Phòng GD-ĐT quận đã triển khai đề án cho cán bộ giáo viên, nhân viên toàn ngành để chuẩn bị nhân sự, cơ sở vật chất cho các công tác nhận trẻ, trong năm học 2015-2016 quận thực hiện thí điểm tại 3 trường. Quận đã xây dựng sửa chữa phòng học mua sắm trang thiết bị theo đúng quy chuẩn, đào tạo 16 giáo viên để đảm bảo các khâu chăm sóc trẻ 6-18 tháng tuổi", ông Huy cho biết.

Với sự chủ động của các địa phương, năm học này có thêm 4 quận là quận 9, 11, Gò Vấp và Tân Bình tham gia đề án, 8 quận, huyện đã thực hiện từ năm 2014 cũng mở rộng quy mô, nâng tổng số nhóm lớp nhận trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi lên 47 nhóm với hơn 400 trẻ theo học. Tuy nhiên, số trẻ được giữ trong các trường mầm non công lập vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu.

Cần có thêm định biên, chế độ hỗ trợ giáo viên

Là địa bàn tập trung đông công nhân, quận Thủ Đức được chọn thực hiện thí điểm trong năm đầu tiên với 3 trường tham gia. Năm học 2015-2016, quận có thêm 2 trường thực hiện đề án này và đang xây dựng thí điểm giữ trẻ theo ca kíp đáp ứng nhu cầu gởi con của phụ huynh là công nhân các khu công nghiệp.

Huyện Nhà Bè từ 2 trường Họa Mi và Đồng Xanh thực hiện ban đầu, năm nay có thêm trường mầm non Hướng Dương tham gia lộ trình. Do vậy, trường nhận trẻ sớm và trả trẻ trễ để phù hợp với điều kiện làm việc của công nhân khu công nghiệp Hiệp Phước.

“Trường nằm trong khu công nghiệp Hiệp Phước, phụ huynh là công nhân nên gửi con từ rất sớm (6 giờ 30 sáng, đón 5g30 chiều), cho nên các cô của trường đến sớm và về muộn hơn để giữ cháu”, cô Trần Thúy Trinh, Phó Hiệu trưởng trường mầm non Đồng Xanh chia sẻ.

Tuy nhiên, về lâu dài, đội ngũ giáo viên rất cần hỗ trợ thêm để yên tâm công tác. Tuy giáo viên trực tiếp dạy các lớp trẻ 6-18 tháng được hỗ trợ thêm 35% tiền lương hàng tháng. Nhưng do tính chất công việc vất vả hơn, trẻ càng nhỏ càng cần chế độ chăm sóc đặc biệt, tỉ mỉ nên rất cần có nhân viên nuôi dưỡng. Nhưng hiện nay các trường đều chưa có biên chế nhân viên nuôi dưỡng vì đang chờ Sở Nội vụ bổ sung thêm định biên.

“Một cô giáo nhận giữ 4 trẻ sẽ đỡ vất vả hơn, nếu như nhân viên nuôi dưỡng hỗ trợ giáo viên làm công việc như vệ sinh phòng học, cho trẻ ăn… giảm áp lực cho giáo viên”, bà Bùi Thị Minh Nguyệt, Phó trưởng phòng GD-ĐT Quận Gò Vấp bày tỏ.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho hay, các quận, huyện triển khai thực hiện đề án đều ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, chuyên môn nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm của phụ huynh. Trong thời gian tới, Sở GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt thí điểm đề án này tại các địa bàn.

“Quận, huyện đã chọn trường tổ chức lớp, mua sắm trang thiết bị đầy đủ chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ 6-18 tháng tuổi. Đây là công tác mà thành phố và quận, huyện rất quan tâm. Nhà trường phải tổ chức thực hiện theo lộ trình, đề xuất cơ chế thu hút đội ngũ giáo viên và nhân viên nuôi dưỡng, đó cũng là động lực cho đội ngũ yên tâm công tác”, ông Sơn đề nghị

Đề án chăm sóc và nuôi dạy trẻ từ 6-18 tháng tuổi trên địa bàn thành phố bước đầu đã phát huy hiệu quả. Nhiều quận, huyện tuy không nằm trong đề án cũng mạnh dạn đầu tư thực hiện mô hình này đáp ứng nhu cầu người dân trên địa bàn. Đặc biệt hơn, nhiều trường chủ động điều chỉnh giờ giữ trẻ phù hợp với giờ làm việc của công nhân. Tuy nhiên, để việc mở rộng đề án có hiệu quả, rất cần có thêm định biên, chế độ, chính sách hỗ trợ đội ngũ giáo viên, bảo mẫu để họ yên tâm làm nghề.