Những người ươm mầm khuyến học

(VOH) - Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2014 được phát động trên phạm vi cả nước vừa mới kết thúc với chủ đề “Học cho bản thân và những người xung quanh hạnh phúc”.

Hội thi Cán bộ khuyến học giỏi quận 1. Ảnh: quan1

Theo đó, trong tuần lễ này, các sở, ban, ngành, các tổ chức, đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nhằm thực hiện các mục tiêu của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”; “Xóa mù chữ đến năm 2020”; “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”; “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”…             Để đẩy mạnh việc xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, góp phần  xây dựng TPHCM trở thành “Thành phố học tập” thì vai trò cán bộ khuyến học rất quan trọng. Tuy độ tuổi, công việc khác nhau nhưng họ cùng chung niềm đam mê công tác khuyến học, vận động mọi người tham gia học tập, nâng cao kiến thức, giúp đỡ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vững bước đến trường.

Hơn 30 năm đứng trên bục giảng, cô Trần Thị Mỹ Hồng, Chủ tịch Hội khuyến học phường An Lạc, quận Bình Tân luôn trăn trở với những ước mơ được cắp sách đến trường của các em học sinh phải bươn chải với gánh nặng mưu sinh. Chính vì lẽ đó mà khi nghỉ hưu, cô lại tiếp tục cống hiến hết mình cho công tác khuyến học. Bởi lẽ, cô mong muốn tiếp tục thực hiện mong mỏi chắp cánh ước mơ cho trẻ em nghèo hiếu học. Trong thời gian gắn bó với công tác khuyến học, cô vất vả đi tìm nguồn tài trợ, không phải nơi nào cũng nhiệt tình giúp đỡ nhưng nghĩ đến các em, cô lại có động lực để làm tiếp.

Trường hợp của ông Lê Văn Thẩm, Phó Chủ tịch Hội khuyến học phường Tân Quy, quận 7 làm công tác khuyến học bằng chính tấm gương gia đình hiếu học của mình. 3 người con của ông lần lượt đậu đại học và có thành tích học tập xuất sắc ở các trường đại học. Kể về những đứa con ngoan học giỏi, ông không giấu được niềm hạnh phúc. Mặc dù trong suốt những năm nuôi các con học phổ thông rồi lên đại học, biết bao nhiêu khổ cực, vất vả, gánh nặng đè lên vai trong khi gia đình phải tất bật với miếng cơm manh áo. Có khi đóng tiền học cho các con cùng lúc, nhưng không đủ tiền, gia đình phải bán hết của cải trong nhà, vay mượn nhiều nơi. Vất vả là thế, nhưng chưa bao giờ ông có ý định cho con nghỉ học, trái lại luôn động viên con cái cố gắng học hành để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Người lớn tuổi nhất ở thành phố làm công tác này là ông Nguyễn Thiện. Tuy đã 81 tuổi nhưng ông vẫn hăng hái tham gia công tác khuyến học, khuyến tài tại địa phương. Chia sẻ về điều này, ông vẫn nhớ như in ngày nhỏ khai trường hân hoan lắng nghe bức thư của Bác gửi thư cho học sinh cả nước: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu". Khi trưởng thành, ông lại càng thấm thía tư tưởng của Bác về nâng cao dân trí, đào tạo những con người có tài, có đức xây dựng đất nước... Suốt đời cống hiến hết mình cho lí tưởng đó, cho đến khi về hưu, ngày nắng cũng như ngày mưa, không kể xa gần, ông lặn lội đến thăm những hoàn cảnh khó khăn, rồi lại ngược xuôi đi tìm nguồn tài trợ cho các em tiếp tục ước mơ được đến trường như bao bạn bè, lớn lên trở thành công dân có ích cho xã hội.

Còn đối với chị Nguyễn Thị Nhật Linh, Chi hội trưởng Hội khuyến học ấp Cây Trâm, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, tuổi đời còn trẻ nên dễ hòa nhập với học sinh. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của các em, theo chị Linh, việc dạy nghề hiệu quả đặc biệt quan trọng với những học sinh khó khăn, ít có cơ hội học tiếp sau phổ thông. Chị thường chọn những tấm gương, những hình mẫu cho các em học sinh trong quá trình lựa chọn ngành nghề cho mình: xã hội có rất nhiều người giỏi tay nghề, trung thực, tận tụy, có đạo đức được mọi người kính trọng, quý mến.

Công tác khuyến học, khuyến tài càng có ý nghĩa quan trọng với những người yếu thế hơn như người lao động nghèo, sinh viên học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bằng đam mê và nhiệt tình, cán bộ hội khuyến học đã giúp mở rộng cơ hội học tập suốt đời cho các tầng lớp nhân dân ở mọi lứa tuổi tham gia học tập, qua đó đẩy mạnh việc xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, góp phần xây dựng TPHCM trở thành “Thành phố học tập”.