Những nhà giáo của cán bộ

(VOH) - Nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng chương trình lý luận chính trị, nghiệp vụ kỹ thuật hành chính, bồi dưỡng các chức danh nghề nghiệp cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể… đòi hỏi người giảng viên tại các cơ sở đào tạo này những yêu cầu khắt khe hơn về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp.

Đối tượng học rất đặc thù đã tạo ra khá nhiều áp lực trong việc truyền đạt kiến thức, ứng xử trên giảng đường, kỹ năng tương tác với học viên. Họ - những người thầy của cán bộ, luôn tâm niệm vừa chia sẻ kiến thức cho học viên, cũng vừa là để cho mình học hỏi và trau dồi thêm kiến thức từ chính người học.

Là một giảng viên trẻ của Học viện cán bộ TPHCM, cô Khánh Chi nhớ lại những ngày đầu đứng lớp khi mới 22 tuổi, trong khi học viên lớn hơn tuổi đời của mình rất nhiều. Tâm trạng lo lắng, áp lực cũng dễ hiểu, bởi đối tượng học viên của trường rất đặc thù, đa số là những nguời đã đi làm, có trình độ cao, có vị trí công tác nhất định…

Có những lúc cô giáo trẻ không thể trả lời được câu hỏi của học viên, không biết phải xử lý tình huống ra sao… Khánh Chi chia sẻ, chính áp lực đó đòi hỏi bản thân cô phải nỗ lực, cố gắng nghiên cứu, học tập hơn nữa, đặc biệt là giảng bài trên tinh thần là học tập từ học viên của mình.

Đối với học viên, cô luôn tâm niệm hai chữ khiêm tốn, vì mình trẻ tuổi hơn, kinh nghiệm ít hơn, người thầy chỉ hơn học viên ở chỗ bản thân được trang bị kiến thức bài bản hơn. Phụ trách môn Quản lý hành chính Nhà nước, Khánh Chi rất tự hào khi chia sẻ với người học rằng, đây là một môn học tuyệt vời, cô đã biến sự khô cứng trong môn học trở thành hấp dẫn, biến những kiến thức hàn lâm, khoa học thành những câu chuyện rất đời và dễ hiểu. Mỗi người học ở một lĩnh vực ngành nghề khác nhau, cô đều tìm tòi những tình huống và thực tiễn liên quan đến họ để minh hoạ cho bài giảng.

11 năm trong nghề, cô Khánh Chi tâm đắc nhất là đã truyền cho học  viên niềm tin. Cô đã dùng lí luận của mình, bài giảng của mình, thực tế của mình và tâm huyết của mình để chứng minh cho người học thấy rằng Đảng và Nhà nước đang đi đúng hướng. Từ đó, khích lệ được niềm tin của mỗi học viên đối với Đảng và Nhà nước.

“Đó điều mà mình cảm thấy thành công nhất, khiến cho mình có động lực để tiếp tục nghề giáo” – cô Khánh Chi tự hào.

Người thầy giàu kinh nghiệm Trần Tuấn Duy, cũng là giảng viên Học viện Cán bộ TP, phụ trách môn Pháp luật. Với thầy, khi giảng dạy cho đối tượng cán bộ công chức, phần lý thuyết phải giảm bớt và tăng cường tính thực tiễn nhiều hơn. Từ nhiều năm nay nhà trường luôn khuyến khích giảng viên dạy lý thuyết chỉ 50%, còn lại là 50% tương tác với học viên qua các hình thức: làm bài tập, tình huống, trao đổi giữa người học và người dạy.

15 năm giảng dạy, thầy Duy có rất nhiều kỷ niệm, trong đó có những người dù đã học thầy mười mấy năm nhưng vẫn nhớ đến mình: “Càng giảng dạy, mình càng yêu nghề giáo hơn và có lẽ nó sẽ gắn với mình đến suốt cả cuộc đời. Sau ngần ấy năm giảng dạy, mình trưởng thành hơn, kinh nghiệm thực tiễn cũng nhiều hơn. Đặc biệt, ở Học viện cán bộ TPHCM học viên đến từ rất nhiều ngành nghề. Vì vậy, trong suốt mười mấy năm qua, không có học viên ở ngành nghề nào mà thầy cô không biết cả, đó là tình cảm quý giá dành cho các thầy cô”.

Lớp học lý luận chính trị ở Học viện cán bộ TPHCM. Ảnh minh họa.

TS Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó trưởng khoa Nhà nước Pháp luật, Học viện chính trị khu vực II luôn tâm niệm, chuyên môn tốt, nhiệt huyết trong từng bài giảng và trách nhiệm cao đối với người học là phẩm chất, đạo đức cần có với giảng viên trường chính trị. Bởi lẽ người thầy nếu không có nhiệt huyết thì không thể truyền lửa cho học viên. Đây cũng chính là động lực của cô trong sự nghiệp trồng người. Bên cạnh trau dồi về chuyên môn thì đối với cô, rèn luyện phẩm chất chính trị là vô cùng quan trọng đối với giảng viên trường chính trị.

 “Điểm khác của người giáo viên giảng dạy trong hệ thống học viện chính trị là khi giảng dạy phải kiên định với lập trường tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, trong nói và viết đảm bảo tính khoa học và đúng với đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, như vậy phải luôn luôn rèn luyện từ nhiều phía: từ nỗ lực của bản thân, đồng nghiệp, chú ý rèn luyện thường xuyên của cơ quan đơn vị” – TS Tuyết Mai chia sẻ.

“Nghể chọn người” chính là duyên đưa Thạc sĩ Lê Thị Anh Đào, Phó trưởng khoa Chính trị học, Học viện chính trị khu vực II đến với công tác giảng dạy bằng niềm say mê chuyên ngành lựa chọn, bằng công việc phù hợp với tính cách, sở thích và nhận được sự tin tưởng của học viên.

Chị chia sẻ, đối với người giảng dạy chính trị, giảng viên không chỉ có những yêu cầu cứng như học hàm học vị, mà còn phải trau dồi đạt được những yêu cầu khắt khe về lý luận, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn và không cho phép mình máy móc trong truyền đạt kiến thức. Chính sự nhiệt tình của chị trong từng bài giảng đã biến môn học tưởng chừng khô khan trở nên sinh động, thu hút học viên.

Chị tâm sự: “Khi áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực vào môn học nên không đơn thuần lý thuyết mà là quá trình tương tác, học viên phải  là trung tâm giáo, viên định hướng. Và tôi cho rằng khi áp dụng có hiệu quả phương pháp tích cực đạt hiệu quả mục tiêu của bài giảng về lý luận và thực tiễn, tạo không khí sôi nổi nghiên cứu bài học, không khô khan trong việc tiếp nhận lý luận và vận dụng lý luận vào thực tiễn”

Các giảng viên hệ thống học viện chính trị với bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết với nghề đã ghi dấu ấn về tấm gương nhà giáo mẫu mực đã đóng góp công sức đào tạo, bồi dưỡng nên nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý chất lượng ngày một cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của TP và cả nước.