Những nhà khoa học không có tuổi

(VOH) - TPHCM có nhiều sự đổi thay và phát triển đều khắp trên các lĩnh vực có sự đóng góp không nhỏ của các thế hệ người cao tuổi, họ vẫn ngày đêm phát huy tiềm năng của mình trên nhiều lĩnh vực.

Đặc biệt, trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đông đảo nhà khoa học tuy tóc đã bạc, tuổi đã cao, nhưng vẫn không chùn chân mỏi gối tìm tòi nghiên cứu mang lại những lợi ích thiết thực cho đời sống.

Trong những ngày đầu xuân, chúng tôi có dịp gặp gỡ ông Ngô Thế Thái, nhà nghiên cứu về địa chất khoáng sản. Ấn tượng của bất kỳ ai khi bước vào ngôi nhà của ông là ngay ở phòng khách, trưng bày đủ các loại đá với nhiều màu sắc, còn có những bức tranh đá và rất nhiều chai lọ đựng các mẫu khoáng sản mà ông sưu tầm được ở những nơi từng đặt chân đến. Thật bất ngờ khi ông tiết lộ mình là một trong những kỹ sư đầu tiên của trường đại học Bách khoa Hà Nội.

Vợ chồng nhà khoa học Ngô Thế Thái và Ngô Thị Tố Mai. Ảnh: HNM

Đam mê nghiên cứu

Sau khi tốt nghiệp, ông Ngô Thế Thái được phân công về Đoàn địa chất 8, rồi làm việc tại Viện địa chất khoáng sản Việt Nam cho đến ngày về hưu. Tính đến nay, dấu chân ông đã in khắp bản đồ VN, lặn lội đến vùng xa xôi nhất để thăm dò địa chất, tìm nguồn khoáng sản, khai phá những vùng mỏ... Trên cơ sở đó, ông xây dựng nên các bản đồ quy hoạch phát triển kinh tế về địa chất, khoáng sản cho nhiều địa phương. 

Bên cạnh đó, ông cũng có nhiều sáng kiến để việc khai thác mỏ có hiệu quả nhưng ít tốt kém về chi phí. Trước đây, một lỗ khoan phải mất cả năm, nay với máy móc, thiết bị hiện đại chỉ mất thời gian khoảng 1 tuần là xong.

Với ông, làm công tác nghiên cứu điều kiện bắt buộc là phải có đam mê: "Nghề nào cũng phải say mê. Bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân còn hỏi bụng anh đau ở đâu, nhưng mình khám bệnh cho đất là khác, hoàn toàn do tư duy của mình. Ví dụ khoan một lỗ khoan sâu mà trật thì tốn biết bao nhiên tiền của của nhà nước, cho nên làm việc đó phải say sưa".

Theo đánh giá giới chuyên môn, kiếm được người yêu nghề và say sưa với công việc nghiên cứu địa chất khoáng sản như ông Ngô Thế Thái không phải là dễ. Đến tuổi hưu, ngay lập tức ông gõ cửa khắp nơi để xin phép thành lập Liên hiệp khoa học địa chất, môi trường và công nghệ khoáng trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam.

Từ khi thành lập đến nay, đơn vị đã giải quyết công ăn việc làm cho hơn 2.000 người là cán bộ về hưu, cán bộ các phòng thí nghiệm, nhân viên các tổ máy và ông cũng được tiếp tục làm công việc mà mình yêu thích. Bây giờ, khi đã ở tuổi 80, ông vẫn miệt mài thực hiện các đề tài do các tỉnh đặt hàng, thiết kế, lập cơ sở dữ liệu cho các đơn vị khái thác mỏ, điều tra thăm dò nguồn nước, xử lý môi trường, khoáng sản...

Điều ông lo lắng nhất đó là VN sẽ thiếu hụt đội ngũ những người nghiên cứu địa chất đam mê với nghề. "Để giúp ngành địa chất tốt hơn nữa, đào tạo được hàng ngũ cán bộ chất lượng cao cho ngành khoáng sản, kinh tế khoáng sản được phát triển, tôi mong muốn những nhà khoa học địa chất luôn luôn yêu ngành, yêu nghề và phải có tư cách đạo đức", ông Thái nói.

Cống hiến cho xã hội

Cũng như nhà nghiên cứu Ngô Thế Thái, dành cả đời cống hiến hết mình cho sự nghiệp khoa học, Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Cầu lấy được bằng tiến sĩ khi đã về hưu được một thời gian. Nhưng đây là bước tạo đà để ông tiếp tục nghiên cứu một số đề tài cấp nhà nước như: Khảo sát vùng đồng bằng sông Cửu Long, khai thác tứ giác Long Xuyên; Đào kênh mương thoát nước ra biển Tây; Khảo sát kênh Nhiêu lộc Thị Nghè; Công trình tính toán khí tượng thủy văn cho khu vực phía Nam. Ông từng là Trưởng bộ môn thủy văn, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Tài nguyên và môi trường.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Cầu chia sẻ, điều thú vị bước vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học đó là được đi thực tế nhiều nơi, phát hiện được nhiều điều mới mẻ ứng dụng trong thực tế giảng dạy cũng như trong cuộc sống. Ông Cầu nói: "Nếu mình quyết tâm, yêu nghề và mình thấy điều mình làm mang lại lợi ích thì quên hết mệt nhọc. Thêm nữa đầu óc mình không bị cằn cỗi đi, phải đọc thêm, phải tìm hiểu thêm, như vậy kiến thức mình sẽ không bị rơi vãi đi. Điều này còn đem lại cho mình những điều thú vị. Có lẽ hạnh phúc đối với nhà khoa học là ở đó, chứ không phải tiền tài nhiều".

Do vậy, ngay từ khi về hưu, ông đã dành dụm tiền lương hưu và khoản thu nhập được từ công việc giảng dạy để tiếp tục nghiên cứu các đề tài khoa học mà ông đã ấp ủ. Đó là đề tài Đặc điểm thủy văn vùng thủy triều và Đề tài áp dụng thoát nước đô thị cho TP.

Ông tự bỏ tiền túi và mất khoảng 4 năm để đi khảo sát từ Cà Mau cho đến Móng Cái để thu thập tài liệu, xây dựng đề cương... Cuối cùng, công sức của ông đã được đền đáp, đề tài của ông đã được duyệt thông qua và ông lấy được bằng tiến sĩ khi đã bước vào tuổi 65.

Chưa dừng lại ở đó, hiện nay, ông đang giữ vị trí Phó giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn khảo sát Xây dựng và Môi trường Toàn Cầu, đồng thời vẫn đứng trên bục giảng dạy môn thủy văn ở một số trường đại học. "Một nhà khoa học cần phải có đóng góp để đem lại hiệu quả cao nhất về mặt môi trường sinh thái và phải phấn đấu rất nhiều. Và tự thân vận động, không nề hà tuổi tác. Tôi nhớ một câu rất đơn giản "ở đâu có sự vận động thì ở đó có sự phát triển", vận động trong khoa học cũng là sự phát triển khoa học, đóng góp phần nhỏ của mình cho sự nghiệp chung của đất nước", ông Cầu chia sẻ.

Ở đời có những người khi còn trẻ vì hoàn cảnh không thể học tập lên cao hoặc theo đuổi lĩnh vực mình yêu thích, khi mái tóc đã điểm sương họ mới có điều kiện hoàn thành mơ ước của mình. Chúng tôi đã tìm gặp một trong những người như thế, đó là bà Diệp Bạch Yến. Mãi đến khi về hưu bà mới có thời gian để theo học chương trình đào tạo từ xa về lĩnh vực văn hóa. Miệt mài suốt nhiều năm trời bà đã tốt nghiệp. Hiện nay, bà đang tập trung nghiên cứu về Hán cổ, nếu không bận rộn nghiên cứu Hán văn, có thời gian rảnh thì bà lại đi làm từ thiện.

Bà Bạch Yến cho biết,  trước đây bà cũng từng công tác trong ngành văn hóa, nên khi về hưu bà cũng thích nghiên cứu về lĩnh vực này, học chủ yếu thấy tâm hồn thanh thản và hướng thiện nhiều hơn. Bà tậm sự: "Lớn tuổi nhưng trí tuệ của mình còn sử dụng được cho xã hội thì mình cứ cống hiến cho xã hội cho tới khi nào mình không làm được thì thôi. Mình đi học, hàng ngày nghiên cứu xem sách báo, tiếp thu những cái mới truyền lại cho lớp sau. Đi từ thiện đóng góp cho xã hội, mình thấy người ta nhận được thì mình cũng hạnh phúc".

Ở “Tuổi xưa nay hiếm”, họ vẫn miệt mài nghiên cứu những đề tài về khoa học mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho đời. Phát huy truyền thống cao đẹp "tuổi cao gương sáng" để thế hệ trẻ noi theo. Những kết quả nghiên cứu của những nhà khoa học cao tuổi vẫn còn đang có ích cho hôm nay và cả mai sau. Họ thực sự là những nhà khoa học không có tuổi.