Nơi không ánh sáng nhưng vẫn có mặt trời!

(VOH) - Với mỗi đứa trẻ được sinh ra trong cuộc đời này, nếu bị 1 khiếm khuyết nào đó đã là một thiệt thòi quá lớn. Vậy mà có những em khi sinh ra lại mang trên mình đến 2-3 khuyết tật 1 lúc, có em vừa mù vừa điếc, có em vừa mù vừa bị tự kỷ, lại mang thêm chứng bệnh tim. Khi đó, nỗi đớn đau lại nhân lên gấp nhiều lần.

“Bỏ mặc, hay nâng đỡ các em?” đó đều là những sự lựa chọn không hề dễ dàng cho các bậc phụ huynh và các giáo viên khuyết tật. Vậy mà có những giáo viên, bản thân cũng là người khuyết tật nhưng họ vẫn kiên trì, với nghị lực phi thường, quên đi nỗi đau của chính mình để níu kéo từng chút nhỏ hy vọng đưa các em vào đời, hòa nhập với xã hội.

Cô giáo Đinh Lan Phương phụ trách lớp 1A3 (trường Phổ Thông Đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu) đang dạy học sinh đánh vần

Chúng tôi đến trường Phổ Thông Đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu vào một ngày nắng gắt giữa tháng 11. Cái nắng tưởng có thể làm chói mắt bất kỳ ai nhưng bỗng trở nên lạc loài giữa ngôi trường mà đa phần các em học sinh đều bị khiếm thị.

Nơi có những học sinh đặc biệt nhất

Lớp học dành cho các em đa tật nằm ở hàng lang tầng 1. Với không gian mỗi lớp chưa đầy 20m2, dành cho  5-6 em. Sĩ số này tưởng ít nhưng hóa ra lại nhiều. Bởi mỗi em là 1 giáo án, 1 bài học, 1 mục tiêu giáo dục riêng. Cùng là bộ môn tập đọc lớp 1, có em đã học đến bài 85, em thì đang tạm dừng ở bài 20, em thì bước sang bài ôn tập 16.

Trong lớp, cô giáo vừa tập đọc cho em này, vừa hướng dẫn cho em khác chép bài, vừa dặn dò 1 em đọc chữ nổi… Thỉnh thoảng lại phải tạm ngưng nhắc nhở 1 em khác đang lơ đễnh hay có cử chỉ bất thường. Có em, cô vừa nhắc uống nước lại chạy đến lục tung thùng rác để tìm hộp sữa đã uống xong từ lâu. Có em đang tập viết bỗng ú ớ 1 tràng dài không rõ nghĩa, em lại nằm gục xuống, vắt mình trên bàn như một cọng bún mặc cho cô năn nỉ, vỗ về.

Học sinh lớp đa tật đa phần đều bị sinh non hay do di chứng của căn bệnh Rubella từ trong bụng mẹ. Có em vừa bị khiếm thị, vừa bị khiếm thính, có em trí tuệ kém phát triển kèm với khiếm thị, có em vừa bị tim còn mắt chỉ thấy lờ mờ lại kèm căn bệnh tự kỷ. Thế mới thấy nỗ lực phi thường của những giáo viên đứng lớp tại đây. Họ không chỉ là giáo viên mà còn là người mẹ, không chỉ dạy kiến thức mà còn trao cho các em kỹ năng để bước vào đời.

Cô Hà Thị Thanh Vân, Hiệu trường Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu cho biết, trường Nguyễn Đình Chiểu là trường duy nhất trên cả nước nhận trẻ em đa khuyết tật. Hiện trường có khoảng 83-85 em đa tật. Khi dạy rất khó khăn vì ngay cả trường sư phạm cũng chưa có bộ môn giáo dục các em đa tật. Do đó các giáo viên rất khó tiếp cận, khó tìm ra một phương pháp phù hợp vì mỗi em đa tật là 1 cá thể rất khác biệt. Thêm một khó khăn nữa là với các em bị mù điếc, giáo viên vừa phải dùng ngôn ngữ ký hiệu, ngôn ngữ nói, xúc giác… mà không phải giáo viên nào cũng có hết những kỹ năng này.

Với ngần ấy khó khăn, những tưởng con người ta sẽ dễ dàng gục ngã nhưng thầy cô giáo nơi đây vẫn trụ vững, vươn dài cánh tay để dìu dắt các em, dù có cô bản thân cũng là người khuyết tật. Cô giáo Trần Ngọc Điệp phụ trách lớp 1A1 là 1 trường hợp như thế. Hai chân di chuyển khó khăn do di chứng của căn bệnh sốt bại liệt từ nhỏ, nhưng suốt 8 năm qua từ Củ Chi, cô Điệp vẫn miệt mài đến lớp, truyền tình yêu và kiến thức cho những em học sinh kém may mắn hơn của mình.

Cô Trần Ngọc Điệp đang dạy các em viết chữ nổi

"Giáo viên bình thường có thể làm được thì mình nghĩ mình cũng có thể làm được. Bản thân mình có khiếm khuyết thì mình nghĩ sẽ dễ đồng cảm với các bé hơn. Đối với giáo viên bình thường thì đều có giáo trình, nhưng với giáo viên khuyết tật thì mỗi năm mình lại được trải nghiệm nhiều hơn. Điều đầu tiên là phải kiên nhẫn” Cô Điệp tâm sự. .

Cô kể, đối với lớp này chỉ riêng việc đọc viết cũng rất khó. Với những bé còn sót lại khả năng này thì cô sẽ dạy đọc viết, với những bé không thể đọc viết thì sẽ cố gắng dạy những kỹ năng mà người bình thường có thể làm được như đi vệ sinh. Có bé phải học hàng tháng trời mới làm được.  

Tâm ước của người… gieo ánh sáng

Hiểu được trẻ đã khó, hiểu được trẻ đa tật lại càng khó khăn hơn. Một điều làm các giáo viên khuyết tật đau đáu nhất là làm sao để các em hòa nhập với xã hội, không bị người khác kỳ thị.

Đang mang thai gần đến ngày sinh, bằng sự thấu hiểu của một người mẹ, cô Điệp lại càng trăn trở, lo lắng cho những học sinh kém may mắn : “Trăn trở lớn nhất là dạy hoài, dạy mãi mà không biết làm sao để các bé có thể tốt hơn. Phải kiên nhẫn và cố gắng từng ngày. Đôi khi những bé khiếm thị bình thường bị các bé khác kỳ thị và xa lánh, sợ bị lây. Đó là điều thiệt thòi cho các bé. Các bậc phụ huynh hãy thử đặt hoàn cảnh con mình cũng rơi vào trường hợp như vậy thì sẽ hiểu”.

Cùng hoàn cảnh bị khuyết tật vận động, cô giáo Đinh Lan Phương – phụ trách lớp 1A3 cũng là một trường hợp đáng trân trọng khác. Chứng kiến nỗi thất vọng lo lắng của cha mẹ trước khuyết tật của mình, cô Phương khao khát vươn lên, để có thể sống có ích, làm một việc gì đó để ba mẹ yên lòng. Tham gia vào giảng dạy cho các em đa tật, cô lại thấy mình may mắn hơn rất nhiều, đó là động lực giúp cô đương đầu với những khó khăn :"Cũng có lúc muốn bỏ cuộc nhưng mình thương trò. Không còn đơn giản là tình thầy cô nữa mà đó là nguồn sống, là cái gì đó rất thân thuộc. Thêm nữa mình thương phụ huynh. Ba mẹ mình cũng từng trải qua khó khăn, mệt mỏi và cũng kỳ vọng vào những thầy cô từng dạy mình. Ở đâu đó, phụ huynh cũng kỳ vọng vào mình, mong mỏi con mình tiến bộ từng ngày. Cô giáo mà còn bỏ cuộc, thì phụ huynh sẽ như thế nào?”.

Trước đây, cô giáo Phương từng nghĩ mình xui xẻo, nhưng khi gặp các em, cô thấy mình may mắn. Trước đây cô nghĩ mình là người khuyết tật, nhưng bây giờ cô thấy mình chỉ là người khó khắn trong vận động. Cái khó khăn đó không ảnh hưởng nhiều đến việc yêu đời và yêu cuộc sống bởi cô tin mình đang làm giảm đi những gánh nặng cho xã hội, thắp lên cho phụ huynh những niềm tin và mở ra cánh cửa cho học sinh bước vào đời một cách độc lập.

“Khi dạy mình sử dụng ngôn ngữ xúc giác và sử dụng đôi bàn tay để sờ. Khi nói chuyện mình nắm tay trò và múa dấu, trò sẽ cảm nhận được dấu hiệu đó. Ở đây các bé gặp 2 khuyết tật lớn nhất đó là thính giác và thị giác. Nếu không được đến trường các em sẽ chỉ ở nhà và chỉ biết ăn, uống…”, cô Phương xúc động.

Tự hào nói về 2 giáo viên khuyết tật nhưng đầy nghị lực Trần Ngọc Điệp và Đinh Lan Phương, cô Hà Thị Thanh Vân, Hiệu trường Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu cho biết: “Những giáo viên lớp đa tật phải rất giỏi và nhiệt tình để có thể thông cảm và thấu hiểu các em. Cô Phương rất tích cực, tiếng Anh rất giỏi và thường tìm kiếm tài liệu để dạy các em. Các em ở lớp cô Phương có nhiều trình độ khác nhau, khả năng khác nhau, nhưng hầu hết đều đạt được mục tiêu đặt ra. Cô ứng dụng rất nhiều phương pháp để dạy học sinh của mình. Khi dạy các em, cô Phương quên cả bản thân mình là người khuyết tật. Cô Điệp cũng rất đặc biệt. Cô rất giỏi về cờ vua và giành nhiều giải thưởng, Tôi rất yên tâm khi giao cho cô dạy các em đa tật. Cô tìm hiểu từng em một, mỗi em là 1 giáo án khác nhau, một phương pháp khác nhau và 1 kế hoạch khác nhau”.

Có những em đa tật suốt nhiều năm sống trong mù lòa, câm điếc, mãi tận 16 tuổi mới được đến trường. Có em những ngày đầu đến lớp chỉ có la hét và khóc thét, có em chỉ nói chuyện với bố mẹ qua điện thoại bằng những từ vô nghĩa… Từ những trường hợp mà phụ huynh tưởng chừng buông xuôi, với sự kiên nhẫn của các cô, các em dần cảm nhận được thế giới xung quanh. Dù không hoàn toàn lành lặn, nhưng ít ra các em không còn là những phế nhân.

Dù nhiều em không nói được, không nhìn được nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được những tình cảm và sự tri ân mà các em dành cho những người cô, người mẹ thứ 2 của mình. Đó là những nụ cười tưởng chừng vô thức, cái ôm chầm khi bất chợt gặp cô trên đường, hay có em chẳng biết đã để dành từ lúc nào một bông hoa nho nhỏ để mang vào lớp cài lên tóc cô.

Dù các em chẳng nhìn thấy ánh sáng, chẳng nghe được âm thanh nhưng tình yêu mà các cô dành cho những học trò kém may mắn của mình cũng như ánh nắng ấm áp của mặt trời, xua đi cái tối tăm lạnh lẽo, để các em biết được rằng mình có thể bước tiếp trong cuộc đời này như tâm sự rất đáng yêu của 1 học sinh khiếm thị đặc biệt: “Dạ, con tên Đô, con học lớp 1, cô giáo con tên Phương. Con thích ăn bánh gạo nhất, con ước mơ lớn lên được đi biển, được học đờn…”.