Nước sạch và biến đổi khí hậu

(VOH) - Có lẽ đến nay, nhiều người vẫn chưa có cái nhìn đầy đủ về nước sạch, khẩu hiệu “nước là máu của sự sống” xem ra còn rất xa lạ nhưng biến đổi khí hậu sẽ khiến cho nước sạch ngày càng khan hiếm.

Đó là câu than thở cửa miệng chung của nhiều người dân ở huyện Nhà Bè,TPHCM nhiều năm nay khi nói về nước sạch, bởi chẳng đâu xa, ngay sát trung tâm thành phố nhưng đêm đến nhà nhà đỏ đèn canh nước chảy mà không có, phải xách can đến các điểm cấp nước để mua với giá trên trời.

Một số quận huyện ngoại thành khác tình hình nước sạch cũng không khá hơn, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh hiện chỉ có khoảng 10% người dân có nước sạch để sử dụng. Đã vài chục năm nay, vào mùa mưa hộ dân nào cũng xây hồ hoặc trữ vào lu, khạp dùng để nấu ăn. Nước giếng khoan hút lên từ lòng đất đưa vào ao lắng phèn rồi mới có thể dùng vào việc tưới tiêu hoa màu. Hết nước mưa thì đi mua nước sạch ở các đại lý khá xa với giá tiền đắt đỏ. Ông Nguyễn Thanh Tùng, chủ tịch xã Tây Quý Tây, huyện Bình Chánh cho biết

Gia đình ông Nguyễn Văn Đàn, hiện cư ngụ tại số 1/28 ấp 1 xã Tân Quý Tây có 6 nhân khẩu, cũng như nhiều người dân trong xã, gia đình ông có bể chứa nước mưa, có ao để lắng nước giếng, còn nước dùng để ăn uống thì mua ở đại lý. Lúc không có tiền mua nước sạch gia đình đành sử dụng tạm nước giếng khoan bơm lên lắng phèn, dẫu biết có nguy cơ nhiễm bệnh từ những nguồn nước không hợp vệ sinh nhưng không còn cách nào khác, Ông Đàn bày tỏ:

Theo báo cáo của chương trình môi trường Liên hiệp quốc nước bị ô nhiễm giết chết nhiều người hơn tất cả hình thức bạo lực khác trên thế giới, kể cả chiến tranh. Với 2 tỷ tấn nước thải mỗi ngày mà con người thải ra môi trường, đủ giúp dịch bệnh lây lan và hủy hoại các hệ sinh thái. Có khoảng 3,7% tổng số trường hợp tử vong trên thế giới liên quan đến nước bẩn, con số này tương đương với hàng triệu tính mạng. Trong thời gian tới con số này có thể tăng cao hơn bởi theo nhiều chuyên gia tác động của biến đổi khí hậu sẽ làm cho nước sạch ngày càng khan hiếm. Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, một chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cho biết:

Như thạc sĩ Xuân Lan nói trong vòng 5 năm trở lại đây, người ta chứng kiến rõ tác động của biến đổi khí hậu, trái đất nóng lên dẫn đến tình trạng khô hạn, rồi thì bão, lũ sẽ nhiều hơn cùng sức tàn phá khủng khiếp. Bằng chứng rõ ràng nhất là mùa khô năm nay đến sớm và mùa mưa đến muộn cả tháng, những cơn nóng nung người khiến cho cuộc sống của nhiều người dân đảo lộn, ở các tỉnh, thành phố khác, những dòng sông cạn trơ đáy, vuông tôm khô nước, nước biển xâm nhập sâu vào trong đất liền khiến những dòng sông ngọt trở thành lợ. Hàng chục ngàn hộ dân ở Đồng bằng sông Cửu Long bị khát nước ngọt. Chỉ riêng chuyện nước sạch, nguồn nước mặt của TPHCM đã dần trở nên khan hiếm hơn và người ta đã phải tính đến phương án đưa nước từ nơi khác về. PGS -TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó phân viện trưởng phân viện khí tượng thuỷ văn và môi trường phía Nam nói:

Thực tế còn khá nhiều người dân chưa có ý thức đúng đắn về việc sử dụng và giữ gìn nguồn nước sạch. Ví dụ khi thấy dòng kênh đã ô nhiễm thì thường hay tống thêm rác thải xuống kênh chứ chưa có ý thức vớt rác từ dưới kênh lên bờ. Những người sống ở đầu nguồn khiến cho dòng sông ô nhiễm, rồi thì các nhà máy, các doanh nghiệp vì tiết kiệm chi phí mà lén xả thẳng xuống sông, suối, kênh rạch mà công ty bột ngọt Vedan là một điển hình trong thời gian qua. Nước sạch không phải là nguồn tài nguyên vô tận bởi vậy mới có khẩu hiệu “ nước là máu của sự sống” nhưng giữ gìn sự sống này như thế nào lại là một câu chuyện khác./.

Thanh Xuân