Chờ...

OpenAI tái cấu trúc trở thành công ty vì lợi nhuận

VOH - Theo The Guardian, OpenAI đang triển khai kế hoạch trở thành công ty vì lợi nhuận, trong bối cảnh nhiều nhân sự cấp cao rời đi, trong đó có Giám đốc Công nghệ (CTO) Mira Murati.

Vào năm 2015 khi mới thành lập, OpenAI hoạt động như một tổ chức phi lợi nhuận, nhận tài trợ để phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) an toàn và có lợi cho nhân loại thay vì mô hình đầu tư và chia lợi nhuận.

Theo thông tin trên website của OpenAI, ban đầu công ty này dự định huy động tài trợ khoảng một tỷ USD để xây dựng siêu trí tuệ nhân tạo AGI, nhưng sau vào năm thì số tiền nhận được chỉ khoảng hơn 130 triệu USD. 

"Việc huy động được quá ít vốn không thể giúp OpenAI thu hút nhân tài cũng như đầu tư tăng sức mạnh tính toán và đây là điều nguy hiểm cho sứ mệnh của chúng tôi. Do đó, chúng tôi nghĩ đến một cấu trúc mới, gồm một tổ chức phi lợi nhuận để theo đuổi tham vọng và một tổ chức vì lợi nhuận để thu hút vốn", trích nội dung đăng trên website của OpenAI.

Nguyên nhân trên đặt trong bối cảnh nhiều nhân sự cấp cao của OpenAI rời đi như giám đốc công nghệ Mira Murati, giám đốc nghiên cứu Bob McGrew và phó Chủ tịch Barret Zoph được xem là lý do công ty này tiến hành tái cấu trúc chuyển sang mô hình hoạt động vì lợi nhuận, và không còn chịu sự kiểm soát của hội đồng quản trị phi lợi nhuận.

OpenAI đang đặt mục tiêu được định giá 150 tỷ USD - gần bằng Uber và gọi vốn đạt 6,5 tỷ USD. Apple và Nvidia là hai trong số các nhà đầu tư tiềm năng được nhắc đến trong đợt gọi vốn này. 

Ngoài ra, CEO Sam Altman cũng sẽ nắm giữ cổ phần trong OpenAI "phiên bản mới" khi chuyển đổi sang công ty vì lợi nhuận.

Ông Altman cũng khẳng định sự ra đi của các nhân sự cấp cao không liên quan đến việc tái cấu trúc lần này. 

“Chúng tôi đã xem xét tái cấu trúc trong gần một năm, khi cân nhắc những gì cần để đạt được giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, tôi nghĩ đây chỉ là việc mọi người đã sẵn sàng cho chương mới trong cuộc đời họ và một thế hệ lãnh đạo mới", ông Altman nói.

OpenAI bắt đầu như một phòng nghiên cứu phi lợi nhuận (non-proftit), sau đó mở rộng thêm một nhánh vì lợi nhuận (for-profit) gọi là OpenAI LP. Nhánh này đóng vai trò huy động vốn để xây dựng siêu trí tuệ nhân tạo AGI, còn sứ mệnh của nhóm phi lợi nhuận là đảm bảo AGI mang lại lợi ích cho nhân loại.

Dù tiến hành chuyển đổi mô hình hoạt động, song OpenAI khẳng định hội đồng phi lợi nhuận sẽ tiếp tục tồn tại và giữ vai trò cốt lõi trong sứ mệnh phát triển AI vì lợi ích xã hội và cộng đồng của công ty này.

ceo openai
Ông Sam Altman, CEO của OpenAI -  Ảnh: Reuters

Theo giới quan sát, việc OpenAI trở thành công ty vì lợi nhuận, tức là một startup điển hình trong tương lai, sẽ làm dấy lên những lo ngại từ cộng đồng an toàn AI, liên quan đến trách nhiệm của công ty khi theo đuổi siêu trí tuệ nhân tạo (AGI) - vốn được mô tả là "các hệ thống AI thông minh hơn con người".

William Saunders,  một kỹ sư nghiên cứu đã rời OpenAI năm nay, chia sẻ rằng ông “mất niềm tin” vào khả năng OpenAI đưa ra quyết định có trách nhiệm về AGI.

Một nhà nghiên cứu khác có tiếng nói trong công ty là Jan Leike cũng nghỉ việc ở OpenAI cho rằng công ty đang ưu tiên "sản phẩm hào nhoáng" hơn là tính an toàn. 

Thực tế, nhiều chuyên gia đầu ngành gia nhập OpenAI chỉ vì sứ mệnh của nó là tập trung vào nghiên cứu AI chứ không phải để phát triển và thương mại hóa sản phẩm.