Phạm Thanh Toàn đoạt giải Nhất thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam

(VOH) - Giải Nhất thuộc về MiSmart - Thiết bị bay và giải pháp trí tuệ nhân tạo cho nông nghiệp thông minh của Phạm Thanh Toàn - Giám đốc điều hành MiSmart với giá trị giải thưởng 100.000 đô la Mỹ.

Chiều ngày 14/9 tại TPHCM đã diễn ra Chung kết Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam, với sự tranh tài của Top 10 startups để chọn ra 3 công ty công nghệ xuất sắc nhất nhận tổng giải thưởng bằng tiền mặt lên đến 225.000 đô la Mỹ từ tập đoàn chip công nghệ hàng đầu thế giới Qualcomm. Phó Chủ tịch UBND Thành phố - Dương Anh Đức đã đến dự.

Phạm Thanh Toàn đoạt giải Nhất thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam 1
Ban tổ chức trao giải cho các dự án xuất sắc nhất của Chung kết Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam.

Các dự án nổi bật đến với chung kết có thể kể đến, như: Hệ thống quản trị nhà máy năng lượng mặt trời, giải pháp ứng dụng AI trong xử lý tự động các nội dung online có hại; Hệ thống phát thanh thông minh; Thiết bị DAC sound card cao cấp “made in Vietnam”; Nền tảng công nghệ vạn vật trí tuệ nhân tạo giám sát chất lượng không khí, hay giải pháp ảnh nhiệt và các ứng dụng IoT; máy bay không người lái và AI ứng dụng trong nông nghiệp thông minh.

Giải Nhất thuộc về MiSmart - Thiết bị bay và giải pháp trí tuệ nhân tạo cho nông nghiệp thông minh của Phạm Thanh Toàn - Giám đốc điều hành MiSmart với giá trị giải thưởng 100.000 đô la Mỹ. Theo đó, giải pháp này dùng máy bay không người lái giúp nông dân đo lường và quan sát sự biến đổi của cây trồng. Việc gieo hạt, chăm sóc cây trồng tự động và giám sát chặt chẽ sức khỏe cây trồng cũng như giúp tăng năng suất và lợi nhuận.

Qua sử dụng công nghệ, có thể đánh giá sức khỏe cây trồng thông qua việc áp dụng hình ảnh và tia hồng ngoại. Có khả năng phun thuốc, gieo hỗn hợp hạt giống và phân bón vào đất, cung cấp cho cây trồng tất cả những gì cần thiết để duy trì sự sinh trưởng tốt nhất. Tốc độ và hiệu quả của phương pháp trồng này đem lại tỷ lệ hấp thu lên tới 75% trong khi cắt giảm chi phí trồng tới 85%.

Với tưới tiêu, hệ thống được trang bị cảm biến nhiệt, siêu quang phổ hoặc đa quang phổ giúp người nông dân nhanh chóng xác định những cây trồng thiếu nước. Anh Phạm Thanh Toàn chia sẻ, hệ thống với khả năng phân tích hình ảnh và giám sát trên không có tỷ lệ chính xác cao lên đến 97%. MiSmart đã phát triển hàng loạt các giải pháp phần mềm hỗ trợ theo dõi và quản lý đội bay, sức khỏe cây trồng, giúp doanh nghiệp bạn hoạt động hiệu quả.

“Trong quá trình 6 tháng này, mình cảm thấy MiSmart đã được bước tiến về mặt công nghệ. Khi hệ thống công nghệ vẫn còn ngổn ngang, ngay cả thiết kế để con Drone nó bay, hay việc tạo sim 4G và tay cầm trên android, mình cũng chưa nghĩ đến hay có thể dùng chip của Qualcomm để làm chỉnh chu hệ thống tay cầm”, Phạm Thanh Toàn chia sẻ. 

Giải Nhì thuộc về dự án Vptech của Nguyễn Công Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty VN Progression với giá trị giải thưởng 75.000 đô la Mỹ. Theo đó, Vptech cung cấp giải pháp thông tầng cho các căn hộ thấp tầng dưới 11 tầng như: Khách sạn, nhà hàng, biệt thự...

“Giá trị lớn nhất tôi thấy, đó là tinh thần những người Qualcomm tham gia dự án. Tham gia dự án làm chúng tôi tăng thêm rất nhiều động lực. Thực sự nhiều lúc cũng muốn bỏ cuộc. Bởi vì sao? Vì con chip của chúng tôi chỉ có 1 tháng, bọn tôi quyết định chọn con chip mới nhất là 5171 thì phải lùng mua, làm cả phần cứng và mọi thứ chỉ trong vòng 1 tháng”, CEO Vptech - Nguyễn Công Tuấn trải lòng.

Giải Ba với giá trị 50.000 đô la Mỹ thuộc về dự án Graphicsminer của Hoàng Minh Phương, Founder và CEO với giải pháp tương tác thực tế ảo bằng bìa cứng thân thiện với môi trường, chế tạo robot, thực hiện tối ưu hóa mọi bộ phận của hệ thống từ lập kế hoạch và chuyển động đến thiết kế cơ khí và động cơ...

Tiến sĩ Trần Mỹ An, Phó Chủ tịch công nghệ, mảng Bản quyền công nghệ tập đoàn Qualcomm, cũng là người sáng lập ra chương trình này nhận định: “Khi được trao nhiệm vụ là người dẫn dắt Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm tại Việt Nam, tôi kỳ vọng đây là một trong những bước đệm quan trọng để Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới công nghệ của khu vực và thế giới. Đồng thời, Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam có thể trở thành nền móng kiến tạo tầm nhìn này thông qua việc nuôi dưỡng và phát triển các khởi nghiệp công nghệ trong nước.”

Năm 2022, sau hơn 6 tháng công bố Top 10, các dự án đã được Qualcomm tổ chức thực hiện chương trình ươm tạo đồng thời hỗ trợ tài chính với gói tài trợ 10.000 đô la Mỹ chi phí nghiên cứu và phát triển sản phẩm cho mỗi công ty và thêm 5.000 đô la Mỹ chi phí đăng ký bằng sáng chế tại Việt Nam hoặc Mỹ.

Bên cạnh đó, 10 nhóm cũng đã tham gia các chương trình đào tạo phát triển kinh doanh và hỗ trợ chuyên sâu về kỹ thuật, R&D từ các kỹ sư, chuyên gia của Qualcomm và đối tác, cũng như cho phép sử dụng của phòng thí nghiệm chuẩn quốc tế bao gồm hỗ trợ ML/AI, camera, âm thanh, buồng RF, đánh giá hiệu năng về nhiệt và modem.

Đặc biệt, đơn vị cũng cam kết không yêu cầu bất kỳ quyền sở hữu cổ phần hoặc tài sản trí tuệ nào để đổi lấy các hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, công nghệ…mà các công ty nhận được khi tham gia chương trình này.