Phát triển thành công chiếc camera có kích thước chỉ bằng hạt muối

(VOH) - Các nhà nghiên cứu từ Princeton và Đại học Washington đã phát triển một chiếc camera có kích thước chỉ bằng hạt muối được gọi là Neural Nano-Optics.

Thông thường, những chiếc nano camera như thế này tạo ra chất lượng hình ảnh kém. Tuy nhiên, nhóm các nhà nghiên cứu này đã tìm ra cách để tạo ra hình ảnh đủ màu sắc nét tương đương với các camera thông thường có kích thước gấp 500.000 lần.

Theo đó, chiếc camera này sử dụng phần cứng hình ảnh và xử lý tính toán để tạo ra kết quả tuyệt đẹp hơn hẳn những chiếc nano camera hiện đại trước đây. Sự đổi mới chính là một công nghệ được gọi là "metasurface".

Trong các mẫu camera truyền thống, một loạt các thấu kính uốn cong tập trung các tia sáng vào một điểm ảnh. Công nghệ "metasurface" cũng có có thể được sản xuất tương tự như các vi mạch tích hợp, chỉ rộng nửa milimét và chứa 1,6 triệu các cột hình trụ khác nhau. Các cột nhỏ này có kích thước gần bằng virus gây suy giảm miễn dịch ở người.

Neural Nano-Optics
 

Các thuật toán dựa trên công nghệ máy học sẽ tính toán dữ liệu từ các tương tác của "metasurface" với ánh sáng và hình ảnh đầu ra có chất lượng cao hơn so với bất kỳ chiếc nano camera nào được thiết kế cho đến nay. Ngoài ra, các nano camera trước đây yêu cầu ánh sáng laser tinh khiết và các điều kiện phòng thí nghiệm khác để tạo ra hình ảnh. Bởi vì bề mặt quang học của Neural Nano-Optics được tích hợp các thuật toán xử lý tín hiệu, mẫu camera này có thể chụp ảnh với ánh sáng tự nhiên, khiến nó trở nên thực tế hơn. Các nhà nghiên cứu hình dung nó được sử dụng trong các cuộc phẫu thuật y tế và được tích hợp vào các robot trong tương lai.

Neural Nano-Optics
 

Các nhà nghiên cứu đã so sánh các bức ảnh được chụp bằng công nghệ của họ với các phương pháp trước đó và kết quả thật bất ngờ. Họ cũng đọ sức với một camera truyền thống gồm sáu thấu kính khúc xạ. Kết quả cho thấy, Neural Nano-Optics có chất lượng khá tốt nếu không quan tâm đến việc bị làm mờ xung quanh các cạnh.