Quản lý giáo dục còn chồng chéo

(VOH - Ngày 23/04, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Nghị định số 115 của Chính phủ Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, được trực tuyến tại các điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM.

Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Nghị định số 115/2010/NĐ-CP. (ảnh: GD&TĐ)

Hiện nay, hệ thống giáo dục quốc dân có gần 22 triệu học sinh, sinh viên từ mầm non đến đại học; trên 1,5 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang làm việc tại hơn 43.500 cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục các cấp. Do đó, việc phân cấp, quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục là hết sức cần thiết.  

Đại diện cho TPHCM, ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho hay, từ khi có Nghị định 115, TP được phân cấp nhiều hơn và có trách nhiệm trong việc phối hợp với các Bộ, ngành trong công tác quản lý các trường ĐH, CĐ, TCCN trên địa bàn TP, đặc biệt là các trường ngoài công lập.

Tính đến tháng 9/2014, Sở đã kiểm tra, giám sát việc đảm bảo chất lượng giáo dục 15 lượt trường cao đẳng với 59 ngành, 85 lượt trường đại học với gần 200 ngành các trình độ đào tạo và 2 học viện...nhằm quyết định cho phép mở ngành đào tạo. Sở cũng đã quyết định mở 62 ngành đào tạo trình độ TCCN đối với 24 trường TCCN trực thuộc.

Về những hạn chế, ông Thanh cho hay hiện vẫn chưa chuyển các trường CĐ và TCCN thuộc các sở, ngành khác trên địa bàn TP về Sở GD-ĐT quản lý, cụ thể Sở trực tiếp quản lý gồm 27 trường TC, 9 trường CĐ và 12 trường ngoài công lập, còn 35 trường ĐH, 11 trường CĐ trực thuộc các Bộ, ngành, Sở khác đóng tại TPHCM lại không thuộc sự quản lý của Sở này.

Về quản lý giáo dục ở tầm vĩ mô cũng nảy sinh nhiều bất cập mà theo ông Quách Việt Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, sự chồng chéo này có thể nảy sinh nhiều vướng mắc.

Cụ thể, từ cấp mầm non đến phổ thông do Bộ GD-ĐT quản lý, phần giáo dục đại học, sau đại học cũng do Bộ GD-ĐT quản lý, còn phần trung cấp và cao đẳng thì được thực hiện theo Luật giáo dục nghề nghiệp, hiện nay chưa xác định Bộ GD-ĐT hay Bộ LĐTBXH quản lý.

Ông Tùng bày tỏ băn khoăn:  “Thứ nhất, đối với trường CĐ sư phạm, đây là đơn vị đào tạo nhân lực trực tiếp cho ngành giáo dục, nếu do Bộ khác quản lý sẽ gây chồng chéo. Hai là đối với trường CĐ chuyên một ngành nhất định như CĐ y tế, nếu chuyển sang Bộ LĐTBXH quản lý thì yêu cầu về chương trình, phương pháp hay chất lượng thế nào. Hiện nay, tỉnh đang tìm các giải pháp để phân luồng học sinh sau THCS, trong đó tỉnh mong muốn xây dựng trường vừa dạy nghề, vừa dạy văn hoá theo hệ thống giáo dục thường xuyên để học sinh vừa học để tốt nghiệp vừa có tay nghề. Do vậy, đơn vị này vừa phải chịu sự quản lý của ngành giáo dục ở khâu văn hoá, vừa chịu sự quản lý của ngành LĐTBXH trong khâu học nghề”.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đề nghị cần có sự phân cấp cụ thể và trực tiếp cho các Sở GD-ĐT trong việc quản lý các trường TCCN, CĐ và ĐH của địa phương. Ông Trần Trọng Khiếm, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ có ý kiến:  “Trong dự thảo có nói Sở GD-ĐT là cơ quan chuyên môn giúp cho UBND TP để quản lý về chuyên môn nghiệp vụ của các trường TC và CĐ. Tôi thấy điểm này không ổn, do trong Luật giáo dục nghề nghiệp theo định hướng các trường CĐ, TC giao cho ngành LĐTBXH quản lý. Nếu giao Sở LĐTBXH thì họ phải chịu trách nhiệm vấn đề này”.

 Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị định 115 đã được các Bộ, ngành địa phương thực hiện nghiêm túc đã đưa Nghị định thực sự đi vào cuộc sống, tháo gỡ nhiều khó khăn, góp phần vào việc triển khai trên thực tế việc đổi mới giáo dục và đào tạo. “Thứ nhất trong phạm vị công việc thẩm quyền của mình, chúng tôi đề nghị các Bộ và  các địa phương tích cực chủ động triển khai giải quyết những vướng mắc thuộc phạm vi của mình để đưa tinh thần Nghị định 115 vào cuộc sống mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn. Tinh thần này là gì, là phân cấp, tạo sự chủ động giải quyết của các địa phương và cơ sở”, Bộ trưởng đề nghị.

 Bộ GDĐT đề nghị các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý về giáo dục cần đổi mới tư duy về quản lý, chuyển từ quản lý tập trung, trực tiếp sang quản lý theo mục tiêu, cơ chế và tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát; phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, thực hiện công khai và giám sát của xã hội đối với chất lượng và hiệu quả giáo dục.