Sẽ sớm ban hành quy chế về thi THPT Quốc gia năm 2016

(VOH) - Ngày 16/12, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến tại 5 điểm cầu Hà Nội, TPHCM, Thái Nguyên, Nghệ An, Đà Nẵng, Cần Thơ để lấy ý kiến của các Sở GD-ĐT về kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016.

Các vấn đề về tổ chức cụm thi, tham gia coi thi, chấm thi, chế độ ưu tiên, đăng ký xét tuyển...đã được đưa ra để các đại biểu thảo luận. Trước đó, Bộ đã nhiều lần tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các trường và các Sở GD-ĐT về vấn đề này.

Về tổ chức cụm thi, nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD-ĐT nên tiếp tục tổ chức cụm thi tỉnh cho thí sinh chỉ thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT như năm 2015. Như vậy, cần điều chỉnh cho thí sinh ở vùng giáp ranh giữa các cụm thi lựa chọn. Các tỉnh có điều kiện khó khăn, có thể đặt các điểm thi kể cả các điểm thi do các trường ĐH chủ trì.

Trong khi đó, đại diện một Sở GD-ĐT tại đầu cầu TPHCM cho rằng mỗi địa phương đều nên có một cụm thi, do trường đại học chủ trì, để thí sinh nhất là ở các tỉnh khó khăn không phải tốn kém chi phí đi lại.

Còn ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng, ở những nơi không khó khăn như Tây bắc, Tây nguyên, vùng sâu vùng xa thì chỉ nên có một loại cụm thi do đại học chủ trì để đỡ tốn kém, còn vùng sâu vùng xa thì nên có cụm thi tỉnh để các em được dự thi thuận lợi.  

Ảnh minh họa - Nguồn: Haiduong.edu.

Trong công tác phối hợp, các Sở GD-ĐT và các trường ĐH cần có sự phối hợp chặt chẽ để công tác tổ chức được tốt hơn. Trong năm 2015, sự phối hợp giữa hai đơn vị này còn lúng túng, số lượng cán bộ các trường ĐH tham gia quá ít và không đồng đều giữa các địa phương nên sự giám sát không đảm bảo khách quan trong tổ chức thi và chấm thi (mỗi điểm thi không ít hơn 3 cán bộ, giảng viên ĐH là quá ít).

Về chế độ ưu tiên trong xét tuyển ĐH-CĐ, một số đại biểu có ý kiến về chính sách ưu tiên được chia thành 2 nhóm đối tượng, 4 khu vực tuyển sinh; mức chênh lệch điểm giữa 2 nhóm ưu tiên là 1 điểm, giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 điểm đối với thang điểm 10 là chưa phù hợp.

Chính điều này sẽ tạo tâm lý về sự thiếu công bằng do khoảng chênh lệch ưu tiên giữa các đối tượng lớn (mức chênh lệch lớn nhất giữa thí sinh được ưu tiên và thí sinh không được ưu tiên là 3,5 điểm).

Một đại biểu cho rằng, chế độ ưu tiên chỉ nên tính một cách, hoặc hưởng theo nơi thí sinh đang học, hoặc hưởng theo hộ khẩu để tránh nhập nhằng như năm ngoái.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến tập trung thảo luận các vấn đề như: số ngày thi, nâng thang điểm lên 20 điểm, từ đó nâng điểm liệt lên 1 điểm. Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hoá đề nghị, đề thi năm 2016 nên phân hoá rõ hơn, nhất ở phần xét xét tuyển ĐH-CĐ. Ở môn ngoại ngữ, nên bỏ phần thi tự luận, giữ lại phần trắc nghiệm.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho hay, môn ngoại ngữ gồm 2 phần thi trắc nghiệm và tự luận đã được thực hiện từ hai năm nay, hiện chúng ta đang phấn đấu học ngoại ngữ theo các kỹ năng nghe nói đọc viết.

Tại hội nghị, Bộ GD-ĐT cũng phát phiếu lấy ý kiến của các Sở GD-ĐT về 3 nội dung: hai phương án cụm thi, duy trì hai loại cụm thi như năm 2015 hoặc một loại cụm thi do các trường đại học chủ trì tổ chức ở mỗi tỉnh. Nội dung thứ hai là lịch thi: giữ nguyên 4 ngày hoặc 3 ngày thi. Thứ ba là chế độ điểm ưu tiên: giữ nguyên như năm 2015 hoặc giảm điểm ưu tiên và điều chỉnh một số nội dung không phù hợp về đối tượng ưu tiên và khu vực ưu tiên.

Bộ GD-ĐT cũng cho hay, sắp tới Bộ sẽ tiếp tục lấy ý kiến góp ý của các trường và dư luận xã hội về phương án tổ chức thi. Sau đó, Bộ sẽ tổng hợp, đi đến thống nhất và hoàn thiện, sớm công bố quy chế thi THPT quốc gia và quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ. Dự kiến trước Tết nguyên đán sẽ có thông tin chính thức về kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016.