Sinh viên nghiên cứu Chuột máy tính cảm biến đo nhịp tim cảnh báo sức khỏe cho nhân viên công sở

(VOH) -  Theo thống kê, có hơn 90% người làm việc trước màn hình máy tính có nguy cơ mắc phải các bệnh về tim mạch

Đặc biệt trong giai đoạn đất nước phát triển, nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật chiếm số đông, làm việc hàng giờ liền với máy tính là điều không thể tránh khỏi. Cùng với đó, các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, thủ tục phức tạp, những người bận rộn hay làm văn phòng sẽ không có thời gian khám sức khỏe định kỳ để phát hiện ra các bệnh như nhồi máu cơ tim, huyết áp cao, đột quỵ...

Từ suy nghĩ đó, nhóm sinh viên năm cuối gồm Lê Thị Như Quỳnh, Vũ Thị Châu Hảo, Nguyễn Quốc Gia Mi, đến từ Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt tay vào thực hiện đề tài: "Phát triển chuột máy tính tích hợp cảm biến đo nhịp tim dựa trên tín hiệu PPG", nghĩa là tích hợp cảm biến vào chuột máy tính để giúp mọi người tầm soát nhịp tim liên tục ngay trong lúc làm việc trên máy tính. Khi có bất thường về nhịp tim, người dùng sẽ nhận được thông báo để chủ động đến bệnh viện kiểm tra. Việc này cũng giảm số lượng bệnh nhân chờ khám mỗi ngày tại bệnh viện, giải quyết một phần tình trạng quá tải, tiết kiệm thời gian cho người sử dụng và mang tính thực tiễn, tiết kiệm tài chính cao. Đề tài này cũng vừa đoạt giải Nhì Sinh viên Nghiên cứu khoa học của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong năm qua. Lê Thị Như Quỳnh đại diện nhóm dành cho VOH cuộc phỏng vấn.

Sinh viên nghiên cứu Chuột máy tính cảm biến đo nhịp tim cảnh báo sức khỏe cho nhân viên công sở 1
Ảnh: Hutechuniversity

* VOH: Đề tài này vừa đạt giải Nhì Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học trong năm qua. Lý do lựa chọn đề tài này là gì?

* Lê Thị Như Quỳnh: Nhóm mình cùng học chuyên ngành Kỹ thuật y sinh, rất cần những kinh nghiệm thực tế để làm những thiết bị áp dụng để theo dõi sức khỏe con người. Ban đầu, nhóm rất muốn làm một dự án gì đó giúp mình có thêm nhiều kinh nghiệm hơn. Nhóm gặp được thầy Thắng (Tiến sĩ Trần Viết Thắng) là giảng viên hướng dẫn, sau một thời gian nhóm bắt đầu tìm hiểu, mình mới nhận ra rằng: đa số dân công sở, sinh viên…làm việc trên máy tính, laptop rất nhiều, một vật không thể nào thiếu được đó là chuột máy tính. Vì vậy, nhóm nghiên cứu tạo ra sản phẩm như thế này, để mọi người có thể vừa làm việc, vừa theo dõi nhịp tim cùng một lúc.

* VOH: Với ý tưởng ban đầu này, nhóm đã bắt tay nghiên cứu ra sao?

* Lê Thị Như Quỳnh: Nhóm bắt tay thực hiện đề tài từ đầu năm hai – cùng lúc giảng viên hướng dẫn là thầy Thắng đang dạy lớp mình, nhóm đã liên hệ thầy để cùng làm đề tài này. Đến cuối năm ba, nhóm đã hoàn thành đề tài.

* VOH: Với đề tài này thì nhận xét của giảng viên hướng dẫn ra sao, đề tài có những tính ứng dụng gì?

* Lê Thị Như Quỳnh: Nhóm đã tìm ra được thuật toán giúp xử lý tín hiệu PPG một cách mạnh mẽ và chính xác nhất. Thuật toán này không chỉ có thể áp dụng trên thiết bị mà nhóm đang nghiên cứu là chuột máy tính mà còn có thể áp dụng trên tất cả thiết bị di động khác để đo nhịp tim. Mình nghĩ đây là thành công lớn nhất. Thứ hai, khi muốn đo nhịp tim chính xác, chúng ta phải tốn thời gian vào cơ sở bệnh viện để đo điện tim, trong khi thiết bị này giúp chúng ta vừa làm việc vừa theo dõi sức khỏe. Nó rất tiện lợi, nhỏ gọn, tính ứng dụng cao.

* VOH: Hoạt động của chuột cảm biến như thế nào?

* Lê Thị Như Quỳnh: Trên chuột có cảm biến, phát ra ánh sáng hồng ngoại xuyên qua ngón tay tới các mạch máu bên trong, nó sẽ phát tín hiệu thẳng lên máy tính luôn nên mình vừa có thể làm việc, vừa theo dõi được sức khỏe mà không ảnh hướng đến những gì trên máy tính như bị đứng màn hình, ảnh hưởng nguồn điện…

* VOH: Sau khi chiến thắng với giải Nhì Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm qua, kết quả này có tiếp tục là động lực để nhóm nghiên cứu phát triển thêm bộ công cụ này?

* Lê Thị Như Quỳnh: Đây là nguồn động lực rất lớn, vì nhóm không nghĩ là đề tài này lại đạt được thành tích đến như vậy. Bởi vì ban đầu khi nghiên cứu thì nhóm chỉ nghĩ đơn giản là mình có thêm kinh nghiệm để nghiên cứu và tạo ra được một cái gì đó ứng dụng cho sức khỏe đời sống. Khi đạt được giải, nhóm tụi mình càng có thêm động lực để phát triển đề tài này hơn nữa, cho hoàn thiện hơn.

* VOH: Cụ thể, nhóm có kỳ vọng gì vào dự án của mình trong thời gian tới?

* Lê Thị Như Quỳnh: Kỳ vọng lớn nhất của nhóm là mong muốn thuật toán mà nhóm nghiên cứu có thể áp dụng rộng rãi ở các thiết bị như đồng hồ đo nhịp tim, điện thoại… nhằm cảnh báo, góp phần giảm tỷ lệ người mắc các bệnh tim mạch, qua đó còn giảm áp lực lên các bệnh viện. Nhóm cũng mong có nhà đầu tư, đơn vị quan tâm và chú ý và đầu tư cho thuật toán của nhóm nghiên cứu.

* VOH: Cám ơn Như Quỳnh và nhóm rất nhiều.