Để giúp người dùng an toàn khi sử dụng điện thoại thông minh và hạn chế tối đa tình trạng điện thoại phát nổ, chúng tôi đưa ra một số nguyên nhân chính khiến điện thoại phát nổ và gợi ý một số điều người dùng nên làm để giữ an toàn.
Những nguyên nhân khiến điện thoại phát nổ
1. Khiếm khuyết trong sản xuất
Một lô pin xấu, sử dụng sai linh kiện hoặc lỗi trong dây chuyền lắp ráp có thể khiến linh kiện và pin bị hỏng. Khi điều này xảy ra, điện thoại bị nổ là khó tránh.
Điện thoại giả hoặc điện thoại được thiết kế không hoàn hảo cũng có thể là nguyên nhân gây ra nổ. Điều này có thể thấy rõ nhất trong các sản phẩm giá rẻ hoặc điện thoại từ các nhà sản xuất không rõ ràng. Những sản phẩm này rẻ nhưng thiếu tính an toàn cần thiết như các sản phẩm được cung cấp bởi các thương hiệu có uy tín.
Lời khuyên: Nên sử dụng điện thoại thông minh từ các nhà sản xuất uy tín để trong trường hợp phát hiện lỗi có thể đổi trả hoặc đền bù nếu điện thoại phát nổ do lỗi nhà sản xuất.
(Ảnh: maketecheasier)
2. Nứt vỡ bên trong trong quá trình sử dụng
Trong trường hợp điện thoại bị rơi, một số người sẽ đến trung tâm bảo hành để sửa chữa màn hình – vì đây là bộ phận dễ nhận thấy khi bị nứt vỡ. Tuy nhiên, các bộ phận bên trong bị nứt, vỡ cũng có thể làm thay đổi cấu trúc hóa học và cơ học của pin, mạch.
Điện thoại bị rơi hoặc va chạm mạnh có thể khiến pin bị phồng hoặc đoản mạch ở một vị trí nào đó, tiềm ẩn nguy cơ phát nổ.
Lời khuyên: Để đảm bảo an toàn, người dùng nên thường xuyên kiểm tra “sức khỏe” của pin điện thoại, nhất là khi điện thoại bị “chạm sàn” nhiều lần.
Chú ý, trong trường hợp điện thoại có một số dấu hiệu sau đây, người dùng nên cân nhắc thay pin vì điều này có thể giúp người dùng tránh các vụ nổ pin.
• Biến dạng
• Sưng
• Tạo nhiệt quá mức, đặc biệt là khi sạc
• Điện thoại tự khởi động lại
• Dễ dàng hết pin
• Điện thoại không sạc được sau khi cắm điện
3. Nhiệt độ điện thoại cao quá mức
Nhiệt độ quá cao có thể phá vỡ các “tế bào” bên trong pin điện thoại và điều này cũng có thể gây ra đoản mạch (chập mạch) bên trong.
Nhiệt quá cao cũng có thể dẫn đến việc sạc quá mức vì pin nhận được nhiều dòng điện hơn mức an toàn, khiến pin bị quá nóng. Nếu nhiệt dư thừa tích tụ bên trong pin, nó sẽ gây ra phản ứng làm tăng nhiệt độ của điện thoại. Đây chính là một trong những “chất xúc tác” cho các vụ nổ.
Lời khuyên: Có nhiều yếu tố có thể khiến điện thoại bị nóng lên một cách tự nhiên, chẳng hạn như chơi các game nặng về đồ họa hay nghe nhạc nhiều giờ dưới ánh nắng mặt trời hoặc vừa sạc vừa sử dụng điện thoại – điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến pin, nhanh làm nóng máy và gây ra hiện tượng cháy nổ.
4. Sạc sai cách
Việc sử dụng sạc sai cách hoặc bị lỗi có thể gây nổ điện thoại do bộ sạc cung cấp nhiều điện hơn so với những gì pin có thể xử lý. Ngoài ra, các nhà sản xuất sạc điện thoại giá rẻ thường không đáp ứng các thông số kỹ thuật an toàn theo yêu cầu của thiết bị USB hay sử dụng vật liệu kém chất lượng dễ gây ra cháy nổ cho điện thoại.
Lời khuyên: Nên sử dụng dây sạc điện thoại đồng bộ với điện thoại và tránh sử dụng điện thoại trong quá trình sạc. Ngoài ra, cũng nên tránh cắm sạc điện thoại quá lâu gây ra hiện tượng nóng, dẫn tới cháy nổ.
(Ảnh: MakeUseOf)
Một số “TIPS” người dùng cần nhớ để tự bảo vệ mình khi sử dụng điện thoại
Để an toàn cho bản thân và phòng tránh các vụ cháy nổ, người dùng loại bỏ tất cả các nguyên nhân phổ biến gây ra vụ nổ điện thoại.
1. Ngưng hoàn toàn việc vừa sạc vừa sử dụng điện thoại
Nhiều người khá thích thú với việc xem video hoặc “tám” điện thoại khi nằm trên giường – mà vẫn cắm sạc điện thoại. Điều này cực kì rủi ro và người dùng có thể dễ gặp cảnh điện thoại phát nổ do quá nóng.
2. Ngưng việc dùng chung sạc điện thoại hoặc sử dụng sạc không đồng bộ
Nếu có thể, hãy chỉ sử dụng bộ sạc đi kèm với điện thoại khi mua. Điều này đảm bảo điện thoại của bạn nhận được điện áp và dòng điện tối ưu. Việc sử dụng sạc điện thoại khác loại có thể khiến điện thoại nhận quá nhiều điện, gây chập mạch.
3. Mua điện thoại từ nhà sản xuất uy tín
Ngày nay, các cửa hàng trực tuyến tràn ngập các sản phẩm điện thoại thông minh giá rẻ và thật khó để phân biệt hàng thật với hàng giả. Người dùng không nên chọn mua các loại điện thoại này mà nên mua từ các nhà sản xuất uy tín để có được các sản phẩm chất lượng cao, không có lỗi sản xuất.
4. Chủ động hạ nhiệt cho điện thoại
Nếu điện thoại bị nóng trong khi sạc, hãy rút phích cắm điện thoại để điện thoại hạ nhiệt, tránh sử dụng điện thoại lúc này hoặc tiếp tục giữ điện thoại trong môi trường nóng.
5. Nếu điện thoại được nhà sản xuất thu hồi, hãy trả lại... ngay và liền
Mặc dù các vụ nổ điện thoại thông minh xảy ra ngày càng nhiều nhưng rất hiếm nhà sản xuất thu hồi hoặc thực hiện các bước đảm bảo an toàn cho các dòng điện thoại tương tự.
Do đó, khi có một nhà sản xuất đưa ra thông báo thu hồi, hãy đảm bảo là bạn nên trả lại ngay để đảm bảo sự an toàn của mình.
Thêm một trường hợp nát bàn tay do sử dụng điện thoại khi đang sạc pin - Một nam thanh niên ở Đồng Nai đã phải nhập viện trong tình trạng toàn bộ bàn tay trái bị dập nát, biến dạng, chảy nhiều máu do vừa sử dụng điện thoại, vừa sạc pin.