Thi tốt nghiệp THPT 2016 - Đề thi địa lý hay và bao quát

(VOH) - Hôm nay thí sinh cả nước bước vào ngày thi thứ 3, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015 - 2016, xét tuyển ĐH, CĐ với môn thi Địa lý. Vì là môn thi tự chọn nên tại các điểm thi có khá ít thí sinh đến dự thi, một số điểm thi như Trường ĐH KHTN, THPT Lê Quý Đôn không tổ chức thi trong buổi sáng hôm nay. Tuy nhiên, theo ghi nhận chung, các thí sinh đánh giá, đề địa lý năm nay khá hay và bao quát.

Tại điểm thi thuộc cụm trường ĐH Sư phạm TPHCM, số lượng thí sinh dự thi môn Địa lý không đông, chỉ bằng 1/3 của hai ngày thi hôm trước. Năm nay, cấu trúc đề thi gồm có 4 phần, tập trung vào những kiến thức chính ở phần địa lý lớp 12, trong đó có nội dung về bảo vệ đa dạng sinh học, quá trình đô thị hóa và tác động của nó đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, quy mô và cơ cấu lao động theo cơ cấu ngành ở nước ta...

Đặc biệt hơn, đề thi năm nay có tính bao quát, trải rộng kiến thức địa lý về nhiều khu vực của cả nước. Chính vì vậy, để làm được bài, thí sinh phải có kiến thức nền về quy mô, tính chất và vị trí của mỗi khu vực kinh tế trọng điểm Việt Nam như Khu vực đồng bằng sông Hồng, Khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Các thí sinh cụm thi ĐH Sư phạm TPHCM trao đổi sau khi ra khỏi phòng thi. Ảnh: HN

Thí sinh Đỗ Trọng Trí (Trường THPT Lê Minh Xuân - Bình Chánh), thị tại điểm thi Trường ĐH Sư Phạm cho biết: “Em thấy độ khó cũng tăng dần từ từ. Câu 1 hỏi về biện pháp bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học ở Việt Nam; câu 2 thì đọc Atlas, câu 3 thì vẽ biểu đồ; câu 4 trả lời những vấn đề thời sự như ngập mặn... Em cũng chuẩn bị bài chu đáo nên làm cũng được. Môn này em học cũng được nên kết quả em nghĩ cũng khá”.

Cũng giống như các môn thi trước, các câu 1,2,3 thường là những kiến thức cơ bản thì ở nhóm các câu hỏi cuối đòi hỏi thí sinh phải biết vận dụng những kỹ năng, tư duy và có kiến thức chuyên sâu hơn. Dạng câu hỏi này thường dùng để phân loại thí sinh.

Cụ thể, với câu hỏi thế mạnh và hạn chế về tài nguyên đất nông nghiệp ở Khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tại sao tình trạng xâm nhập mặn diễn ra rất nghiêm trọng trong thời gian qua ở khu vực này, nhiều thí sinh cho rằng, đây là câu hỏi khó. 

Em Lê Thành Đạt (thí sinh tự do ở Tân Phú), thi tại điểm thi Trường ĐH Sư Phạm TPHCM nói: “Em thấy đề năm nay cũng hay. Những khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung hay trung tâm kinh tế ở đồng bằng sông Hồng. Đề như vậy là bao quát hết nguyên cả 3 miền đất nước mình đều có trong bài thi. Muốn làm bài được, mình phải đọc báo thêm để thu thập tin tức từ các báo đài chứ vấn đề như hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long không có trong bài học mà phải qua các phương tiện truyền thông”.

Tại điểm thi trường Đại Học Công nghệ TPHCM – Hutech - có thể thấy đa số thi sinh hoàn thành bài thi sớm hơn so với thời gian thi. Thí sinh Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: “Đề Địa Lý năm nay khá dễ, câu hỏi rõ ràng, cũng giống trong nội dung mình ôn. Có hai câu mở rộng nhỏ về hạn hán , ngập mặn cũng dễ do có tin tức cũng nhiều. Nếu không học bài thì cũng làm được 5 điểm nếu học bài thì cũng được 8, 9 điểm”.

Các thí sinh cụm thi ĐH Sư phạm TPHCM trao đổi sau khi ra khỏi phòng thi. Ảnh: HN

Thí sinh Nguyễn Thị Hải Yến, quê ở Nghệ An cho biết: “Nói chung là nếu mình cố gắng ôn thì nó sẽ cảm giác dễ hơn các năm trước. Năm trước em không thi nhưng các chị của em có nói là so với năm trước thì đề năm nay dễ hơn”.

Các giáo viên địa lý cũng cho biết, năm nay, đề thi cũng tiếp tục dành một câu để kiểm tra kỹ năng thực hành địa lý của thí sinh. Cụ thể, đó là đọc, phân tích số liệu, từ đó vẽ biểu đồ và nhận xét, giải thích các xu hướng có trong biểu đồ, kỹ năng đọc, tra cứu và chọn lọc thông tin từ cuốn Atlas địa lý Việt Nam.

Thầy Nguyễn Đình Tình, giáo viên Trường THPT Vĩnh Viễn cho rằng, thí sinh biết đọc hiểu Atlas có thể lấy trọn vẹn điểm ở câu 2:  “Việc nắm chắc ký hiệu của Atlas địa lý rất cần thiết. Đầu tiên là yếu tố địa hình, ở đây gồm có phân tầng địa hình, ký hiệu của các loai khoáng sản, các ký hiệu hình học và ký hiệu chữ. Thứ hai, ký hiệu về công nghiệp, ở đây có các trung tâm công nghiệp và đặc biệt các ngành công nghiệp. Trong đề thi yêu cầu kể về các trung tâm công nghiệp có quy mô thì các em phải dựa vào quy mô, quy mô đó lớn hay nhỏ và dựa vào ký hiệu của các ngành để các em làm bài”.

Chiều 3/7, các thí sinh sẽ thi môn hóa học với thời gian làm bài 90 phút. Ngày mai 4/7, thí sinh sẽ thi 2 môn cuối là Lịch sử vào buổi sáng với thời gian làm bài 180 phút và chiều thi môn sinh học, thời gian làm bài 90 phút.