Thiếu tự chủ tài chính, khó cải cách giáo dục Đại học

(VOH) - Trong hai ngày 31/07 và 01/08, hội thảo Đối thoại giáo dục VN với chủ đề Cải cách giáo dục Đại học do Nhóm Đối thoại giáo dục phối hợp với Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TPHCM tổ chức, nhằm thảo luận các chiến lược và đề xuất những cải cách đối với hệ thống giáo dục Đại học Việt Nam (ĐH VN).
Giáo sư Ngô Bảo Châu phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: VOV)

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, Bộ đã ban hành nhiều chương trình hành động để thực hiện công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo nước nhà. Tuy nhiên, giáo dục ĐH VN vẫn còn nhiều thách thức như: sự phân tầng chưa rõ ràng, thiếu đội ngũ quản trị giàu kinh nghiệm, quá tải hệ thống ảnh hưởng đến cơ cấu nguồn nhân lực... Trong số đó, việc nghiên cứu khoa học cũng đang là thách thức lớn cho các trường ĐH: “Nghiên cứu khoa học trong các trường ĐH chưa được xem là hoạt động bắt buộc khiến cho kiến thức của giảng viên bị lạc hậu nhanh chóng, sinh viên thì không được nhúng trong môi trường sáng tạo để tự mình trang bị phương pháp nghiên cứu, kinh nghiệm tự học tập để phát triển liên tục trong suốt cuộc đời hoạt động nghề nghiệp của mình”.

Bàn về việc xây dựng đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở các trường ĐH VN, GS Ngô Bảo Châu, thành viên sáng lập Nhóm Đối thoại giáo dục cho rằng: Quy trình tuyển chọn của VN hiện đang theo quy định chung của tuyển chọn công, viên chức, trong khi tính chất công việc của các giáo sư lại rất khác. Trong đó, phải lấy khả năng nghiên cứu khoa học làm tiêu chí số một để tuyển chọn giảng viên: “Ở các trường ĐH nước ngoài, tiêu chí hàng đầu để tuyển chọn giảng viên nghiên cứu khoa học là khả năng nghiên cứu khoa học. Tất cả những vấn đề hành chính khác là đi theo. Đối tượng quyết định là nghiên cứu khoa học, còn các cơ quan hành chính không có chức năng tham gia vào quá trình tuyển chọn. Đó chính là vấn đề mâu thuẫn cơ bản, cái gì là quan trọng: đó là quy trình tuyển chọn nặng về hành chính cần phải được tháo gỡ”.


Vì vậy, GS Ngô Bảo Châu đề xuất quy trình tuyển chọn cần thống nhất cho tất cả các trường ĐH trong cả nước, tiến tới tạo một thị trường tuyển chọn cán bộ nghiên cứu và giảng dạy; đồng thời cần có chế độ thu nhập đặc thù cho đối tượng này.

Để làm được những điều trên, có thể nói tự chủ đóng vai trò quan trọng. Tự chủ ĐH, đặc biệt là tự chủ tài chính là mấu chốt trong quá trình cải cách giáo dục ĐH. Theo TS Dương Nguyên Vũ, ĐHQG TPHCM, nếu không giải quyết được vấn đề tài chính thì không thể nào giải quyết vấn đề nghiên cứu khoa học trong trường ĐH được. 

Còn theo Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân, dù các trường ĐH đã được giao quyền tự chủ, thế nhưng Bộ GD-ĐT lại không có đưa ra được cơ chế để vận hành một cách thích hợp. Nói cách khác, giao quyền tự chủ, nhưng cái gốc vấn đề lại không được giao, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân nêu quan điểm: “Quan điểm của chúng tôi trong Hội đồng quốc gia giáo dục cũng như trong Chính phủ, chúng tôi mong muốn từng bước tháo gỡ những rào cản này, giao quyền tự chủ thật sự cho các trường ĐH. Đứng về góc độ Khoa học công nghệ, tôi mong muốn trong các trường ĐH của chúng ta sẽ có các trường ĐH nghiên cứu ở trình độ quốc tế. Những trường ĐH mà đội ngũ Giáo sư, tiến sĩ ở các trường này phải thật sự làm khoa học có công bố quốc tế, có sáng chế, có nhiều doanh nghiệp KHCN thì các trường ĐH mới có cơ hội hội nhập quốc tế”.

Quan điểm này được nhiều diễn giả cũng đồng tình. Bởi nếu không được tự chủ tài chính thì những khía cạnh tự chủ khác chỉ là hình thức. Đây chính là gốc rễ của vấn đề, quyết định đến sự thay đổi diện mạo của giáo dục ĐH.

Ngày mai, 01/08, các diễn giả tiếp tục thảo luận các vấn đề như: phát triển đội ngũ giảng viên và nghiên cứu khoa học; quan điểm giáo dục và kinh nghiệm giáo dục của các trường ĐH nước ngoài, nhằm tìm ra nhiều giải pháp cải cách giáo dục ĐH VN./.