Từ bỏ công việc là tư vấn kỹ thuật cấp cao tại Bộ quốc phòng Mỹ, trước đó là kỹ sư tại Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), năm 2008 Tiến sĩ Nguyễn Đình Uyên cùng với gia đình quyết định rời Mỹ trở về Việt Nam.
Sau thời gian tìm hiểu, ông lựa chọn công việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại Khoa Điện tử Viễn thông Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh để cống hiến. Đến nay, Tiến sĩ Nguyễn Đình Uyên đã tìm kiếm và kết nối để đưa các đề tài, dự án nghiên cứu của sinh viên trong lĩnh vực điện tử - viễn thông từ giảng đường đại học đến môi trường thực nghiệm, thực tập.
Đồng thời, với vai trò là cố vấn nghiên cứu tại công ty cổ phần giải pháp nông nghiệp 5D, ông cùng các cộng sự đang tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới để tối ưu hóa sản xuất nông nghiệp, nhằm mang đến những mô hình kinh doanh nông nghiệp hiệu quả trong thời đại số. VOH có phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Đình Uyên về những mô hình kinh doanh mới.
*VOH: Thời điểm năm 2008 là thời điểm Tiến sĩ quyết định trở về nước làm việc. Vậy, điều gì đã khiến cho Tiến sĩ chọn Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh làm nơi dừng chân, bắt đầu công việc của mình tại quê nhà?
Tiến sĩ Nguyễn Đình Uyên: Tôi đã từng công tác và dạy học ở trường đại học tại Mỹ. Sau nhiều năm ở Mỹ, tôi rất mong ước có một ngày về lại quê hương giảng dạy. Tôi đã trở về Việt Nam nhiều lần, đã đi tìm hiểu nhiều trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cuối cùng, tôi quyết định chọn trường Đại học Quốc tế vì cơ sở vật chất của trường này không thua trường nào ở Mỹ. Tại Khoa Điện tử Viễn thông của Trường có những phòng thí nghiệm rất cao cấp, trong đó, có phòng thí nghiệm siêu cao tần, và đây là phòng thí nghiệm hàng đầu Đông Nam Á. Phòng thí nghiệm siêu cao tần lại phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của tôi, cho nên tôi đã chọn Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, sau khi đi phỏng vấn một vài trường đại học quốc tế khác tại Thành phố Hồ Chí Minh, tôi nhận thấy Đại học Quốc gia là nơi tập trung của nhiều sinh viên giỏi của cả nước, nhất là ở khu vực phía Nam, bởi vì điểm thi đầu vào rất cao. Cho nên, theo cảm nhận của một nhà giáo, tôi cảm thấy không có môi trường đại học quốc tế nào tốt hơn Trường, cho nên tôi đã chọn Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
*VOH: Trong thời gian công tác tại Trường, đến nay, Tiến sĩ đã kết nối như thế nào trong việc đưa các đề tài nghiên cứu, dự án của sinh viên được thực hành, được thương mại hóa các kết quả nghiên cứu?
Tiến sĩ Nguyễn Đình Uyên: Sau một thời gian công tác tại Trường, tôi thấy các em sinh viên rất thông minh, học giỏi. Nhưng tất cả những đề tài của sinh viên làm luận án ra trường lại không có một nơi nào ứng dụng công nghệ hay sự sáng tạo của các em. Sau vài năm, tôi mới nhận ra một điều, ở Việt Nam hiện có rất ít nơi cho sinh viên “luyện võ”. Có nghĩa là, có ít công ty cho các em thật sự vào thực tập để có thể ứng dụng những đề tài nghiên cứu của mình, nhất là trong ngành điện tử và tự động hóa. Vì vậy, tôi cố gắng liên kết với những nơi mà có thể cho các em thật sự thực tập, có thể thương mại hóa những giải pháp sáng tạo của các em. Gần đây, tôi kết nối và hợp tác với Công viên Phần mềm Quang Trung và một vài công ty trong đó. Tại Công viên Phần mềm Quang Trung có xây dựng Khu thực nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp. Nông nghiệp là lĩnh vực rất cần sự phát triển về vấn đề công nghệ. Vì lý do này, tôi bắt đầu hợp tác và cố vấn cho một vài công ty chuyên về ứng dụng công nghệ mới cho ngành nông nghiệp. Đồng thời, tôi kết nối và tạo được không gian cho các em sinh viên của mình có thể thực hành được tại khu thực nghiệm này. Tại đây, sinh viên có thể hợp tác cùng với công ty để thương mại hóa những ý tưởng, kết quả nghiên cứu của các em.
*VOH: Hiện Tiến sĩ cùng các cộng sự của mình đã có những dự án, giải pháp gì trong việc ứng dụng công nghệ vào trong nông nghiệp, thưa tiến sĩ?
Tiến sĩ Nguyễn Đình Uyên: Hiện tại, tôi đang làm cố vấn cho Công ty cổ phần giải pháp nông nghiệp 5D (Agri Solutions 5D), công ty chuyên cung cấp những ý tưởng, giải pháp nông nghiệp 4.0 cho Việt Nam. Trong đó có nhiều công nghệ liên quan tới điện tử, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo. Trong những vấn đề khó khăn của người nông dân ở Việt Nam là không có đủ tài chính hay trình độ để đem những công nghệ 4.0 của thế giới về Việt Nam. Ví dụ như công nghệ tự động trộn phân, tưới tự động cho bất kỳ loại rau củ quả nào. Công ty 5D đã chế tạo được máy trộn phân tự động, đã thí nghiệm thành công trồng rau với việc ứng dụng công nghệ thông tin. Những công nghệ này giúp cho người nông dân, dù không biết cách trồng như thế nào thì họ chỉ cần tải phần mềm hướng dẫn xuống là có thể thực hiện được việc trồng rau này.
Ngoài ra, công ty 5D này đã nghiên cứu, triển khai thành công Container trồng rau với đèn Led. Container này hoàn toàn trồng được rau và không cần bất kỳ sự chăm sóc nào, được trồng trong môi trường hoàn toàn được quản lý qua ứng dụng công nghệ thông tin.
*VOH: Cám ơn Tiến sĩ rất nhiều.