Tòa án Công lý Liên bang đã quyết định rằng, ngay cả việc mất quyền kiểm soát dữ liệu trong thời gian ngắn cũng có thể gây ra thiệt hại và không cần phải chứng minh tổn thất tài chính.
Phán quyết trong vụ án thử nghiệm có thể ảnh hưởng đến hàng ngàn vụ án khác hiện đang được tòa án Đức xét xử.
Vào năm 2018 và 2019, bên thứ ba không xác định đã truy cập vào dữ liệu của người dùng Facebook - bao gồm tên, giới tính và trong một số trường hợp là địa điểm làm việc - bằng cách nhập số điện thoại ngẫu nhiên vào chức năng tìm kiếm.
Vào năm 2021, dữ liệu của 533 triệu người dùng Facebook trên toàn thế giới bị ảnh hưởng đã bị phát tán trực tuyến.
Vụ kiện trước Tòa án Công lý Liên bang tại Karlsruhe, tây nam nước Đức, liên quan đến một nạn nhân yêu cầu bồi thường thiệt hại ít nhất 1.000 euro từ công ty mẹ của Facebook là Meta.
Dù ra phán quyết có lợi cho việc người dùng được bồi thường, nhưng tòa án cho biết số tiền bồi thường khoảng 100 euro sẽ phù hợp hơn.
Vụ kiện ban đầu không thành công ở tòa án cấp dưới tại Cologne.
Phán quyết mới vào hôm 18/11 có nghĩa là, vụ việc sẽ được chuyển lại tòa án Cologne và tòa án này phải đưa ra phán quyết lại về vụ việc, có tính đến đánh giá của tòa án liên bang.
Trong phán quyết của mình, tòa án liên bang lưu ý rằng, các thiết lập mặc định của Meta về tùy chọn tìm kiếm có khả năng đã vi phạm một số quy tắc bảo vệ dữ liệu.
Tòa án cấp dưới cũng sẽ phải xem xét liệu những người dùng Facebook bị ảnh hưởng có đồng ý cho phép xử lý dữ liệu của họ hay không.
Nhưng Meta cho biết, họ "tin tưởng" tòa án Cologne sẽ một lần nữa ra phán quyết có lợi cho gã khổng lồ trực tuyến này.
Người phát ngôn của công ty cho biết: "Các tòa án Đức đã bác bỏ những khiếu nại tương tự hơn 6.000 lần, và nhiều thẩm phán phán quyết rằng không có khiếu nại hợp lệ nào về trách nhiệm pháp lý hoặc thiệt hại".